Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó bổ sung ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 là ngày nghỉ lễ.
Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, người lao động được nghỉ thêm một ngày lễ trong năm là hợp lý, song cần cân nhắc ngày nào. "Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nếu nghỉ lễ là ngày thương binh, liệt sĩ sẽ gợi nhớ những mất mát của người dân. Chúng ta nên lựa chọn ngày khác có ý nghĩa mà không gây tổn thương", bà Hồng nói.
Bà Hồng chia sẻ gia đình có người thân hy sinh và cũng như nhiều gia đình khác thường chạnh lòng khi nhớ về chiến tranh. Hơn nữa, hiện nay 30/4 đã là ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, nay thêm một ngày nghỉ lễ nữa gợi nhớ về chiến tranh, về đau thương mất mát có thể khiến nhiều người buồn hơn.
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam, cũng cho rằng người lao động được nghỉ thêm một ngày lễ là hợp lý, song lựa chọn ngày 27/7 chưa đủ thuyết phục. Nếu chọn 27/7 thì sẽ coi đó là ngày quốc lễ cho toàn dân tộc. Trong khi đó, những gia đình có người hy sinh, thương binh ngày càng ít đi nên việc tri ân tưởng nhớ sẽ giảm dần, không thể coi là quốc lễ.
"Ngày tưởng nhớ những người hy sinh thì con cháu họ có thể được ưu tiên nghỉ học, nghỉ làm, chứ không nên để toàn dân nghỉ làm để vui chơi", ông Thọ nói.
Trái với quan điểm trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng tình với dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) khi bổ sung ngày nghỉ 27/7. Mục đích là giúp nhân dân có một ngày nghỉ, có thời gian thực hiện những hoạt động tri ân người có công với cách mạng, với đất nước và từ đây có thể lan tỏa việc tri ân tổ tiên, cha mẹ trong toàn xã hội.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với hàng triệu người con hy sinh, nhiều người còn đang mang thương tật. Ông Hiểu cho rằng ngày 27/7 đã trở thành biểu tượng văn hóa về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhiều nước cũng cho người dân nghỉ một ngày để tưởng niệm những người hy sinh cho tổ quốc với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung. Điều đó cho thấy đề xuất của dự thảo Bộ luật lao động là phù hợp, mang ý nghĩa nhân văn.
Ông Hiểu cho biết, khi khảo sát công nhân lao động, họ rất hứng thú với đề xuất. Thực tế hiện nay, tổng số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam ở mức trung bình thấp so với với các quốc gia.
Lý giải về đề xuất bổ sung ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho rằng số ngày nghỉ lễ, tết mỗi năm của người lao động hiện chỉ là 10, thấp hơn các quốc gia trong khu vực, như: Campuchia 28 ngày, Brunei 15 ngày, Indonesia 16 ngày, Malaysia 12 ngày, Myanma 14 ngày... Việc bổ sung ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Theo ông Bốn, từ ngày 30/4 đến 2/9 không có ngày nghỉ nào, nên thời điểm nghỉ 27/7 là hợp lý giữa hai mốc thời gian đó. "Nước ta có hàng triệu người đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc nên cần tưởng nhớ. Việc kỷ niệm vào ngày đó không gợi lại đau thương mà là tri ân người có công", ông Bốn nói.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi và sẽ tiếp thu, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 5.
Năm 1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn ngày kỷ niệm Thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ, Trung ương đã lựa chọn 27/7 là ngày Thương binh, liệt sĩ.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các nước như Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hàng năm để tưởng niệm những người hy sinh vì tổ quốc, với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung. Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 là ngày tưởng niệm liệt sĩ. Nga chọn 9/5 là ngày nghỉ lễ mừng Chiến thắng phát xít Đức. Hàn Quốc chọn 6/6 là ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh. Indonesia chọn 10/11 là Ngày anh hùng.