Ông Vũ Quốc Tuấn. |
Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Việt Văn (TP HCM): Tôi cho rằng dự án Dung Quất triển khai đến giai đoạn này rồi thì không thể lui được nữa. Tuy tôi luôn nghĩ, mặc dù việc xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Việt Nam hết sức cần thiết, nhưng lựa chọn xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi là không hợp lý.
Thứ nhất, quãng đường vận chuyển dầu từ Vũng Tàu ra Quảng Ngãi khá xa sẽ làm tăng chi phí, đồng nghĩa với tăng giá thành sản phẩm. Thứ hai là về mặt địa lý và hàm lượng mỏ dầu thì vùng biển Nam Trung Bộ hiện có nhiều tiềm năng hơn miền Trung. Hơn nữa miền Trung lại là vùng đất thường xuyên bị bão lụt nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo tôi, tốt nhất là nên đặt nhà máy lọc dầu tại Khánh Hòa sẽ rất hợp lý về mặt kinh tế. Tôi được biết, chỉ xây dựng con đê kè đá để chắn sóng biển cho Dung Quất, đã phải đầu tư đến 3 tỷ đồng, một sự lãng phí vô cùng. Trong giai đoạn đầu tư ban đầu này, nếu đủ can đảm, vẫn có thể đưa nhà máy lọc dầu về Khánh Hòa, cơ sở hạ tầng tại Dung Quất chuyển thành khu công nghiệp là hợp lý nhất.
Bà Nguyễn Thị Lục, cán bộ hưu trí, nhà 150/3A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh (TP HCM): Trong trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến sáng 9/6, tôi chưa nghe đề cập đến các vấn đề cụ thể như chế độ chăm sóc và bảo hiểm y tế cho cán bộ hưu trí, người già; giá thuốc vẫn tiếp tục tăng và giá không thống nhất trên thị trường thực tế chưa được quản lý triệt để; tình trạng quảng cáo hàng từ thực phẩm thành thuốc chữa bá bệnh cũng chưa được ngăn chặn triệt để.
Hiện nhiều lang băm mở ra chữa bệnh theo kiểu cho uống thuốc bột bằng tro, hoặc dư luận "đồn thổi" về hiệu quả của khu vườn chữa bệnh gây hoang mang, thế nhưng chưa thấy Bộ trưởng Chiến đề cập đến trách nhiệm quản lý của ngành y tế về vấn đề này. Có lẽ do thời gian chất vấn quá ngắn. Bản thân tôi còn muốn Bộ trưởng trả lời nhiều vấn đề như triển khai khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi thì liệu trẻ em nhập cư theo bố mẹ vào các thành phố lớn có được hưởng miễn phí tại đây không; hay việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sáng 9/6 có đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn nhưng tôi thấy Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng. Chỉ tiếc là tôi không thể gặp được Bộ trưởng để trực tiếp đặt câu hỏi.
Ông Hà Hải. |
Ông Hà Hải, 36 Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận 3, TP HCM: Hiện nay, ngành điện phát giá nào người dân chịu giá đó, không chịu không có điện dùng. Họ bảo thiếu vốn, bù lỗ thì chúng tôi biết vậy chứ đâu có điều kiện tìm hiểu thêm. Xoá được độc quyền ngành điện thì tốt quá. Khâu dịch vụ ngành này chắc sẽ cải thiện hơn và người dân có thể được đền bù thoả đáng hơn khi có thiệt hại, rủi ro từ điện.
Ông Nguyễn Phú Hải, sĩ quan quân đội, nhà ở Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Năm nào tôi cũng theo dõi phiên trả lời chất vấn, nhưng không thấy thỏa mãn. Lý do là các bộ trưởng còn trả lời chung chung, vòng vo tam quốc. Mong muốn của người dân như tôi là hỏi cái gì, trả lời ngay cái đó, không mất thời gian.
Năm nay, trong số các vấn đề đại biểu chất vấn, tôi quan tâm tới Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo tôi, mục đích làm nhà máy là rất "ngon lành" vì các sản phẩm của nhà máy cực kỳ cần thiết cho xã hội. Nhưng tôi không hiểu tại sao nhà máy triển khai chậm, chậm ở khâu nào, có phải như dư luận nói, hết dầu rồi không?
Tôi cũng quan tâm tới việc tại sao giá cả tăng vùn vụt. Tại sao bỗng nhiên Nhà nước lại nâng lương để giá cả tăng. Lương tăng gấp rưỡi thì giá tăng gấp đôi. Tôi chưa thấy đại biểu nào đặt ra vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Liêm.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Tôi chia sẻ băn khoăn với Bộ trưởng Y tế. Theo tôi vấn đề đầu tư kinh phí cho y tế của nước ta vào hàng thấp nhất trên thế giới (5 USD/người/năm), nhưng nhu cầu về khám chữa bệnh, dịch vụ y tế của nhân dân, cử tri cao không khác gì các nước phát triển. Đây là mâu thuẫn cực kỳ lớn và việc thu viện phí là đương nhiên. Nhưng hiện nay ta mới thu một phần viện phí. Nói chính xác viện phí là phải tính tổng số chi phí, trong đó ngoài thuốc, còn phải tính đến các vật tư, trang thiết bị khấu hao. Ở các nước người ta tính cả khấu hao tài sản, máy móc vào viện phí nên một ngày nằm điều trị tích cực tới 1.000-2.000 USD, trong khi Việt Nam chỉ 30.000-50.000 đồng. Vì thế nếu nói đóng viện phí cao là không đúng.Còn về vấn đề biên chế nhân viên y tế, tôi cũng cho rằng quá lạc hậu. Định biên của ta áp dụng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Ở các nước phát triển, một bệnh viện 200 giường thì thường có 1.500-2.000 biên chế. Trong khi Bệnh viện Nhi trung ương 500 giường song có chưa tới 1.000 nhân viên. Mà không chỉ Nhi trung ương, đa số các bệnh viện đều trong tình trạng 20 giường mới có 3-4 y tá. Biên chế eo hẹp như thế rất nguy hiểm, vì làm sao anh có thể phát hiện các tai biến.
Bà Nguyễn Thu Vân, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM: Tôi theo dõi truyền hình, nghe ông Bộ trưởng Công nghiệp nói đầu tư cho ngành điện còn thấp. Vậy tại sao không sớm xoá độc quyền, thu hút nguồn đầu tư từ xã hội và các doanh nghiệp khác, đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước?
Nhóm phóng viên