"7h30 sáng 21/5, người ta mới phát vé nhưng tôi phải đi từ bây giờ mới chắc", người phụ nữ 72 tuổi, ở phường Cẩm Trung nói.
Đến nơi bà Phượng nhận ra mình không phải là người sớm nhất. Đã có khoảng 80 người đến trước bà, đặt gạch, xếp ghế ghi rõ tên tuổi, địa chỉ nhà... ở sát hàng rào sắt trên đường dẫn vào sân. Không có ghế, gạch hay xô chậu, bà viết tên mình lên giấy, dính vào tường rào đúng nơi đứng.
Hơn 9 giờ sáng, lực lượng chức năng của thành phố Cẩm Phả cho xe thu dọn hết gạch, ghế và các vật dụng khác, tránh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị.
Người dân lại lấy bút ghi tên lên tường hoặc dùng phấn chia ô dưới mặt đường. Chiều cùng ngày, những phương pháp "xếp hàng" này một lần nữa bị xe chuyên dụng đổ nước, rửa sạch.
Ở tuổi 72, đây là lần đầu bà Phượng đi trực tiếp các trận đấu bóng đá, từ vòng loại đến chung kết. "Hai trận trước tôi cũng xếp hàng để có vé vào sân. Không khí trên khán đài rất sôi động", bà kể.
Tối 20/5, bà Phượng cùng một số hàng xóm mang ghế, chiếu ra ngồi chờ. Bà nói, hơn 20h đã có vài trăm người xếp hàng phía sau, đa phần là thanh thiếu niên, số người lớn tuổi như bà không nhiều. Có chỗ đẹp nhờ xếp hàng từ sớm, bà cho biết sẽ ngồi canh chỗ đến nửa đêm, sau đợi con trai đi làm về đổi ca. Sáng mai bà lại ra.
Muốn có cặp vé xem trận tranh huy chương vàng bóng đá nữ giữa Việt Nam và Thái Lan cho cả gia đình, trưa 20/5, anh Trần Linh, phường Cẩm Sơn ra sân vận động, xếp hàng cùng với chiếc chiếu và gối, sẵn sàng nằm nghỉ tại chỗ nếu mệt. Lúc anh đến đã có đông người chờ sẵn. "Mọi người đều quyết tâm phải có vé mang về. Nhiều gia đình cắt cử người ra trông, sợ bị tranh chỗ", người đàn ông 40 tuổi, nói.
Còn anh Sơn - nhà ở cách sân vận động khoảng một cây số - cho biết khu dân cư chỗ anh đã lắp đặt màn hình LED cỡ lớn phát sóng trực tiếp trận đấu, nhưng anh muốn đưa vợ con trải nghiệm không khí trong sân. "Đây là sự kiện thể thao mang tầm khu vực, đã 19 năm rồi mới trở lại. Và vinh dự hơn khi được tổ chức tại quê nhà. Tôi không muốn bỏ lỡ", anh nói và cho biết sau khi sắp xếp công việc, kèm con học, buổi tối sẽ ra xếp hàng.
Sân Cẩm Phả có sức chứa khoảng 16.000 chỗ, từ các trận trước đã không đáp ứng hết nhu cầu đến xem của người hâm mộ. Sân luôn trong tình trạng quá tải, lượng người đổ về đông, ngay cả các trận không có đội tuyển Việt Nam thi đấu.
"Vé ít, người đông, muốn có suất phải xếp hàng từ đêm hôm trước", anh Nguyễn Đông, 32 tuổi, người xếp hàng tại sân vận động lúc nửa đêm, rạng sáng 21/5, nói.
Không riêng chung kết, các trận khác trên sân Cẩm Phả, anh Đông đều phải xếp hàng xuyên đêm. Anh nói "đặt gạch" chờ nhận vé miễn phí cũng là một thú vui. Đây là cơ hội để người yêu bóng đá, mê thể thao, mong tiếp sức cho đội nhà có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ. "Rất đông người xếp hàng nhưng tất cả đều văn minh, lịch sự, tôn trọng thứ tự trước sau. Không xảy ra tình trạng cãi cọ, xô xát", người đàn ông 32 tuổi cười nói.
Một số ý kiến cho rằng hành động xếp hàng, xếp ghế chờ đến lượt của người dân có phần quá thái quá, theo phong trào, không thể hiện tình yêu thể thao, nhưng TS Nguyễn Ánh Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa, cho rằng rất khó để phân định rõ ranh giới của hai khái niệm này.
"Ngoài tình yêu thể thao, tôi nghĩ đây là lối sống văn minh, thể hiện văn hóa xếp hàng theo tuần tự, không chen lấn xô đẩy. Điều này rất đáng được tuyên dương", bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu nhấn mạnh hành động xếp hàng sớm chờ vé xem chung kết, là động lực giúp các cầu thủ thi đấu tốt, nhất là trong xã hội vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa bóng đá nam và nữ.
"Nhiều người coi bóng đá nam là môn thể thao vua, coi nhẹ bóng đá nữ. Nhưng việc xếp hàng xuyên đêm chờ vé xem cầu thủ nữ ra sân, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ. Thậm chí nhiều người phải bỏ tiền ra mua vé chợ đen, vì muốn vào sân cổ vũ", bà Hồng nói.
Chị Dương Dung ở phường Cẩm Sơn là ví dụ. Thấy nhiều người đặt gạch, xếp ghế, mang chăn, chiếu ra giữ chỗ, người phụ nữ 44 tuổi giục con trai và con dâu ra xếp hàng, do bận bán hàng ngoài chợ. "Nhìn đoàn người xếp hàng gần một km tôi cũng lo, sợ chưa đến lượt đã hết vé. Trong trường hợp hết vé tôi sẽ mua lại, nhưng chắc chắn giá sẽ cao", chị Dung nói.
Đây không phải là lần đầu chị nghĩ đến phương án mua lại. Trong trận bán kết hôm 18/5, vợ chồng con trai chị Dung ra xếp hàng từ 6 giờ sáng đến giữa trưa mà vẫn phải về tay không. Sau chị phải bỏ 500.000 đồng cho một vé chợ đen, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội cổ vũ cho đội nhà.
Cách sân vận động Cẩm Phả hơn một giờ chạy xe, Ngọc Mai, 24 tuổi ở thành phố Hạ Long chọn xem qua truyền hình, dù rất thích bóng đá nữ. "Người dân ở Cẩm Phả có lợi thế hơn, họ dễ dàng xếp hàng và nhận vé. Còn gia đình tôi ở xa, sợ đến muộn hết vé, chưa kể mọi người xếp hàng trước một ngày", Mai nói và cho biết trong ba buổi đấu trước cô có cơ hội được xem trận bán kết hôm 18/5, do một người bạn tặng vé.
"Tôi thấy người dân thời nay đi cổ vũ bóng đá nữ đông và cuồng nhiệt không kém đội bóng nam. Tôi tin đội tuyển nữ Việt Nam sẽ tỏa sáng trên sân Cẩm Phả", cô nói.
Ngồi giữa đêm, bà Phượng vẫn hy vọng nỗ lực xếp hàng trước 24 giờ của mình sẽ được trả công bằng một cặp vé vào sân.
"Tôi mong sự ủng hộ nhiệt thành của người hâm mộ giúp các nữ cầu thủ có động lực thi đấu tốt nhất và giành huy chương vàng. Còn việc phải xếp hàng chờ từ sáng đến đêm chẳng có gì đáng ngại", bà cười.
Quỳnh Nguyễn