Sau ca mổ thành công tháng 3 vừa rồi, bé Quỳnh Anh (11 tuổi, TP HCM) là trường hợp thay toàn bộ xương đùi nhân tạo nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam và là ca bệnh nhỏ tuổi thứ hai được ghi nhận trong y văn thế giới. Bé đã có thể đi lại bằng chính đôi chân đáng lẽ đã bị cắt bỏ để bảo toàn tính mạng như chỉ định trước đây.
Phát hiện bệnh hơn một năm trước, trải qua nhiều đợt hóa trị nhưng cơ thể không đáp ứng thuốc, khối u ác tính phát triển xâm lấn làm gãy đôi xương đùi, Quỳnh Anh không thể đi lại và phải chịu những cơn đau dai dẳng.
"Đây là trường hợp phức tạp. Cắt bỏ toàn bộ xương đùi có khối u là cách duy nhất để cứu bệnh nhi nhưng sẽ để lại hậu quả nặng nề. Sau nhiều cuộc hội chẩn giữa các chuyên khoa, chúng tôi quyết định: thay thế toàn bộ xương đùi nhân tạo bằng hợp kim titan", Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng nhớ lại.
Trước ca mổ, êkip bác sĩ sử dụng công nghệ dựng mô phỏng 3D hai chân để dựng hình bản thiết kế và lên kế hoạch phẫu thuật. Robot định vị của phòng mổ Hybrid được sử dụng xuyên suốt quá trình, đảm bảo phẫu thuật đạt độ chuẩn xác cao.
Trải qua ca đại phẫu gần ba giờ đồng hồ, các bác sĩ lấy bỏ xương đùi bị bệnh cùng khối u khổng lồ kích thước 28x10cm, nặng gần 3kg khỏi cơ thể bệnh nhân; đồng thời thay thế xương đùi nhân tạo kèm khớp háng và khớp gối nhân tạo.
Nối tiếp thành công của ca bệnh thay toàn bộ xương đùi cho bé Quỳnh Anh, bác sĩ Trần Trung Dũng cùng cộng sự thực hiện hai ca thay toàn bộ xương đùi và ghép xương nhân tạo cho hai bệnh nhi ung thư xương là bé Mai Anh (12 tuổi, Hà Nội) và Linh Nhi (15 tuổi, Vũng Tàu).
Trong đó, bé Mai Anh được điều trị hóa chất đến giai đoạn 2 thì khối u ở chân to lên bất thường, kích thước như quả bóng rổ. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ cắt bỏ khối u bên trong chứa đầy máu - nguyên nhân "ăn mất" gần như toàn bộ xương đùi bệnh nhi. Sau lần mổ đầu, Mai Anh tiếp tục được chăm sóc điều trị hậu phẫu đến khi sức khỏe ổn định để bước vào cuộc phẫu thuật thay thế xương đùi nhân tạo.
Theo các bác sĩ, khó khăn nhất của ca mổ là ung thư xương khi đã biến chứng chảy máu, nghĩa là khối u đã vỡ, tăng nguy cơ tái phát u tại chỗ. Vì thế, trong ca mổ này, các bác sĩ phải dành 2/3 thời gian xử lý tổn thương tại chỗ, loại trừ những tổ chức nghi ngờ ung thư và thực hiện sinh thiết để đảm bảo những phần còn lại là tổ chức lành. Ngay sau phẫu thuật, Mai Anh có thể vận động chân nhẹ nhàng, ngồi dậy tập tại giường sau một ngày và tập đi sau đó ba ngày.
Song, đó vẫn chưa phải trường hợp phức tạp nhất. Êkip bác sĩ Trần Trung Dũng từng thực hiện ca thay toàn bộ xương đùi cho bé Linh Nhi (15 tuổi, Vũng Tàu). Bé từng phải trải qua 9 cuộc phẫu thuật khác nhau trước khi bước vào cuộc mổ lịch sử.
Năm 2019, sau ca phẫu thuật cắt bỏ một đoạn đầu dưới xương đùi và sử dụng khung đỡ kim loại bên ngoài cơ thể để kéo dài xương, Linh Nhi phải nằm bất động tại chỗ hơn một năm. Việc này khiến vị trí gắn khung nhiễm trùng nghiêm trọng, cơ đùi xơ hóa, teo nhỏ, gây khó trong việc tạo hình xương.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ nhận định, Linh Nhi cần trải qua ít nhất hai cuộc mổ để tháo khung đỡ, nạo vét làm sạch ổ nhiễm trùng xương và lắp khớp gối giả. Song, sau đó các chuyên gia nhận thấy bé xuất hiện tình trạng nhiễm trùng mãn tính. Toàn bộ phần xương đùi trên còn lại cũng bị hoại tử. Giải pháp duy nhất lúc này, là cần tháo bỏ toàn bộ xương đùi bên phải ngay để đảm bảo tính mạng.
Các bác sĩ đưa ra phương án xử lý ổ nhiễm trùng xương, tính toán khả năng sử dụng xương đùi giả để thay thế cho em. Sau 6 tuần, các chuyên gia cùng lúc điều trị viêm và lên kế hoạch mổ chi tiết cho Linh Nhi với công nghệ dựng mô phỏng 3D toàn bộ hai chân.
Ngày 8/4, ca mổ thành công ngoài mong đợi. Một lần nữa, robot định vị của phòng mổ Hybrid được sử dụng xuyên suốt quá trình phẫu thuật để đảm bảo độ chuẩn xác. Hai ngày sau cuộc mổ, Linh Nhi đã có thể bước đi trên đôi chân của mình, sau gần ba năm phải nằm bất động.
Trước đó, bác sĩ Trần Trung Dũng cùng các cộng sự cũng thực hiện nhiều ca mổ thay ghép xương các những vị trí khác nhau cho bệnh nhi ung thư xương, như trường hợp bé Trịnh Ngọc Bảo Châu (10 tuổi TP HCM).
Xuất hiện tình trạng sưng đau chân phải, đau tăng dần mỗi khi cử động bước đi, Bảo Châu được gia đình đưa đi khám ở nhiều phòng khám, cơ sở y tế khác nhau nhưng không ra bệnh. Phải tới khi khám tại một bệnh viện lớn, bác sĩ mới phát hiện ra khối u nằm ở chân phải bệnh nhi. Kết quả sinh thiết cho thấy cháu bị ung thư xương đùi. Phương án phẫu thuật điều trị được đưa ra tương các trường hợp ung thư xương, là cắt bỏ toàn bộ chi tới khớp háng chân bên phải để giữ tính mạng.
Sau khi thăm khám, nhận định bệnh nhi vẫn có thể phẫu thuật bảo tồn chi thể bằng cách tháo bỏ 1/3 xương đùi kèm khối u và ghép xương, bác sĩ Trần Trung Dũng và cộng sự lên kế hoạch phẫu thuật cho bé.
"Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Hai ngày sau mổ cháu có thể đi lại bằng nạng và hiện tại đã sinh hoạt bình thường trên đôi chân của mình", ông nhớ lại.
Ngoài những ca mổ thay xương chân, ekip cũng thực hiện các ca bệnh thay thế xương phần cánh tay cho bệnh nhi mắc ung thư bằng vật liệu PEEK, cũng bằng công nghệ in 3D.
Bệnh nhân Phạm Quốc Trung (13 tuổi, Hà Tĩnh) từng mang khối u ác tính nằm tại đầu trên xương cánh tay. Do vị trí thay thế xương ở tay - nơi ít phải chịu lực hơn chân, các bác sĩ tính đến phương án sử dụng vật liệu sinh học PEEK để giảm thiểu chi phí cho người bệnh. Hai ngày sau mổ, Quốc Trung đã vận động và sinh hoạt bình thường.
Ung thư xương chia thành hai thể: ung thư nguyên phát và thứ phát. Trong đó ung thư nguyên phát nghiêm trọng hơn do khối u ác tính phát triển trong xương hoặc tổ chức mô xung quanh như sụn. Ung thư nguyên phát thường gặp ở lứa tuổi 10-14 tuổi và nếu không có sự điều trị kịp thời sẽ lan rộng, không chỉ gây tàn phế mà còn đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Những năm trước, tỷ lệ cắt cụt chi trong ung thư xương khá cao nhằm loại bỏ tận gốc khối u, tránh di căn và tái phát. Bệnh nhi ung thư xương ở tay hay chân sẽ thiếu hụt bộ phận đó suốt đời, tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng lớn tâm lý bệnh nhi và gia đình.
Bác sĩ Trần Trung Dũng cùng ekip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đội ngũ tiên phong phẫu thuật thay thế đoạn xương bằng vật liệu nhân tạo cho các bệnh nhi. Thời gian đầu triển khai, các vật liệu sử dụng trong phẫu thuật bao gồm xương đồng loại, nhựa sinh học và các loại khớp sẵn có. Tuy nhiên, chức năng vận động ở các trường hợp này gặp nhiều hạn chế, đặc biệt với trẻ đang ở tuổi phát triển xương. Do đó, bài toán khó với bác sĩ là tạo sự cân bằng chiều dài chi thể sau khi thay xương khớp nhân tạo.
Đến nay, nhờ những cập nhập kỹ thuật tiến bộ, bác sĩ Dũng cùng cộng sự triển khai sử dụng xương nhân tạo làm bằng hợp kim titan, có tính tương thích sinh học cao, được thiết kế và in 3D theo số liệu giải phẫu của chính bệnh nhân, đạt độ chính xác gần như tuyệt đối về mặt hình thể. Những đoạn xương - khớp nhân tạo này được cấu tạo dạng module, có thể kéo dài phù hợp với sự phát triển chiều cao của bệnh nhi đang trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng phòng mổ tích hợp robot thế hệ mới, đa tính năng, định vị trong mổ, giúp phẫu thuật viên đạt độ chính xác từng milimet trong xác định vị trí đặt xương nhân tạo, khác với việc dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ như trước đây.
Trương Hà