Đặng Thị Hạnh -
I. Bối cảnh của cuộc thảo luận về Diễn giải và Siêu diễn giải
Ở phương Tây, đặc biệt ở châu Âu, diễn giải ý nghĩa văn bản đã có một lịch sử lâu đời do truyền thống chú giải văn bản cổ và tôn giáo. Sang thế kỷ 20, nhất là từ những năm 40, do sự phát triển của nền giáo dục Đại học trong khu vực nói tiếng Anh, đặc biệt trong các khoa Anh ngữ, đã diễn ra một bước ngoặt quan trọng liên quan đến nghiên cứu văn học: đó là khuynh hướng (gắn với trào lưu New Criticism) phản bác phương pháp "khoa học", di sản của châu Âu thế kỷ 19, thay thế bằng một cách thực hành phê bình tập trung vào các chi tiết của từ để nghiên cứu tác phẩm kinh điển, "coi tác phẩm văn học như một tác phẩm nghệ thuật tự trị, autotéliqua, mà ngành phê bình cần làm sáng tỏ động lực của ý nghĩa tự đủ của nó". Vào những năm 50 và 60, tuy không sẵn sàng tiếp nhận một số trào lưu mới của châu Âu (thuộc khoa chú giải văn bản cổ, hiện tượng học và ngôn ngữ học cấu trúc), nền văn học và phê bình văn học nói trên vẫn chịu ảnh hưởng của một số khái niệm cơ bản của Saussure (tính võ đoán của ký hiệu...) gắn kết với một bộ phận của nhân chủng học Lévi-Strauss. Đặc biệt thời cuối những năm 60 đánh dấu sự hội tụ ngoạn mục của lý thuyết giải cấu trúc của Derrida với truyền thống phê bình vốn đầy nghịch lý của Hoa Kỳ; ở đây, vẫn có một sự ưa thích nổi bật với tính lý thuyết trong tiếp cận văn học (déconstruction đã biến thành déconstructionnisme) điều mà giới nghiên cứu lục địa không mấy mặn mà. Và trong giới giảng dạy văn học ở Mỹ đã hình thành hai phe đối lập: một bên phái giải cấu trúc, nổi tiếng nhất là "bè lũ bốn tên" ở trường Đại học Yale, (Hartman, Hiller, Bloom, de Man) và bên kia, phái chống đối, nổi tiếng nhất là Searle, Rorty... Trong quy trình nhập vào "một nước Mỹ giải cấu trúc", khái niệm giải cấu trúc của Derrida đã chịu nhiều biến thái, bản thân nó vốn mang tính lưỡng phân và có tác dụng mở. Tuy rất biết ơn đất nước đón nhận mình, Derrida đã tố cáo một kiểu giải cấu trúc nào đó của Mỹ, "một lý thuyết thực dụng, dễ dãi, tiện lợi và còn có thể bán được nữa", kể cả ngược lại là một kiểu hệ thống hóa có phần cứng so với sự tinh tế của "đường đi derridien". Trong bối cảnh trên xuất hiện những tranh luận náo nhiệt trong giới giảng dạy các trường Đại học Mỹ và Anh, về bản chất của nghĩa, các khả năng và giới hạn của dẫn giải, mở rộng ra là về bản chất và mục đích của nghiên cứu văn học. Năm 1990, khi được mời tham gia thuyết trình ở Hội đồng Tanner Lectures (Clare Hall, Cambridge), Umberto Eco đã chọn đề tài: Diễn giải và Siêu diễn giải, có nghĩa là ông xác định chỗ đứng của mình trong cuộc tranh luận. Sau khi vào những năm 60, 70, đã là một trong những người nhấn mạnh đến vai trò người đọc trong quy trình "sản xuất" nghĩa, vào lúc này trong nhiều tác phẩm, ông tỏ ra không thật đồng tình trước một vài hướng đi của tư duy phê bình hiện nay - đặc biệt của dòng phê bình giải cấu trúc - cho phép người đọc tạo ra "một ngọn trào những cách đọc không giới hạn và không kiểm nghiệm được".
II. Tóm lược các luận điểm của Umberto Eco trong ba bản thuyết trình: Diễn giải và lịch sử, Siêu diễn giải các văn bản và Giữa tác giả và văn bản 1.
A. Diễn giải và lịch sử đã được dịch trong tập Đi tìm sự thật biết cười 2 (xin đọc nguyên bản ở đấy). Trong một tiểu luận uyên bác, Eco vạch lại lịch sử của học thuyết bí truyền và phái Ngộ đạo, manh nha từ xa xưa trong huyền thoại Hermès. Ở thế kỷ 2 sau CN ở thời đại thịnh trị của Đế chế La Mã nó đã được khai thác lại: đó là những ý niệm mang ý nghĩa "kín" mã hoá trong ngôn ngữ, chỉ một số người được khai tâm là hiểu được. Eco, trong khi giới thiệu lịch sử "lắt léo" của học thuyết này qua các thế kỷ, đã coi lý thuyết và phê bình văn học hiện nay đang nổi trội ở Mỹ như một giai đoạn mới của học thuyết trên.
B. Tham luận thứ hai: Siêu diễn giải các văn bản
Eco cho rằng "chúng ta có thể chấp nhận một kiểu nguyên lý poppérien theo đó nếu không có quy tắc nào cho phép biết được những diễn giải nào là "tốt nhất", ít nhất cũng có một quy tắc cho phép chúng ta biết được những cái nào là xấu".
Ông chọn hai ví dụ khá thú vị làm luận cứ:
Một trường hợp hiển nhiên là một siêu diễn giải: cách đọc Dante của Gabriele Rossetti (một nhà văn ý, không mấy tên tuổi của thế kỷ 19, bị ám ảnh vì việc coi Dante là hội viên Hội Tam điểm Thập tự Hồng).
Trường hợp thứ hai khó xác định hơn: cách diễn giải của Hartman (được coi là người đứng đầu trường phái giải cấu trúc của Đại học Yale) về một đoạn thơ trong bài Lucy’s Poem của Wordsworth. Bài thơ nói về cái chết của một em bé gái và Hartman nhận ra "một loạt môtíp tang tóc dưới bề mặt văn bản". Trong đánh giá tuy cho rằng luôn có sự giao động thường trực "giữa sự tương tự ngữ âm của những từ ngữ in praesentia (có mặt) và sự tương tự ngữ âm của những từ ngữ in absentia (vắng mặt)" (nghĩa là một kiểu vượt qua giới hạn của diễn giải) Eco vẫn nhận thấy cách đọc của Hartman nếu "không thật thuyết phục thì cũng khá quyến rũ". Điều quan trọng là "cách đọc của Harman không nói trái với những phương diện minh nhiên (exphicite) khác của văn bản".
* Chính từ ví dụ trên mà Eco triển khai một số luận điểm về diễn giải:
1) Khái niệm isotopie (hệ đồng vị)
Trong lý thuyết, người ta luôn có thể sáng tạo ra một hệ thống khiến các dấu hiệu trở nên có thể chấp nhận được; không có hệ thống đó, chúng không dính kết lại với nhau.
Eco nhắc lại ở đây định nghĩa của Greimas về hệ đồng vị (isotopie): "một phức hợp những hạng mục ngữ nghĩa đa thể cho phép đọc một câu chuyện một cách thống nhất" 3. Việc xác định một diễn từ nói về điều gì tất nhiên là một kiểu "đánh cược", một ước đoán về đề tài của diễn từ, văn cảnh chính là cái khiến nó đỡ bấp bênh hơn 4: cách lý giải tang tóc của Hartman về bài Lucy’s Poem có ưu thế là đánh cược trên một hệ đồng vị ổn định (không biến đổi). "Việc đánh cược trên hệ đồng vị chắc chắn là một tiêu chuẩn tốt miễn là chúng không mở ra với một chủng loại quá rộng" (Eco so sánh với trường hợp ẩn dụ để làm rõ ý này).
2. Khái niệm về ý hướng của văn bản nhắm hạn chế cách diễn giải tự do. Ở đây ông đặt ra mối liên quan giữa ý hướng của văn bản với ý định của tác giả (đi trước ý hướng văn bản): ý hướng văn bản không phơi ra bề mặt của văn bản, và muốn "nhìn" thấy nó, cần phải có một ước đoán từ phía người đọc. Làm thế nào để chứng minh được ước đoán đó: "mọi diễn giải về một phần nào đó của một văn bản có thể được chấp nhận nếu nó được khẳng định, và phải bỏ đi nếu nó bị phản bác, bởi một phần khác của văn bản". Như vậy, "sự liên kết văn bản nội tại, kiểm soát đường đi của người đọc, nếu không chúng sẽ không thể kiểm chứng được".
* Kết thúc phần này, Eco cho rằng "chúng ta cần tôn trọng văn bản, chứ không phải tác giả với tư cách là người này hoặc người kia". Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải quan tâm đến trường hợp những diễn giải mà tác giả hãy còn sống phản ứng lại: "Không, tôi không muốn nói như vậy!".
C. Tham luận thứ ba: Giữa tác giả và văn bản: tham luận thú vị nhất. Mở đầu đoạn này, sử dụng một câu thơ của Wordsworth (đã được Hartman diễn giải một cách tinh tế) Eco thêm một điều kiện cần thiết nữa cho cách đọc: đó là phải tính đến hệ thống từ vựng của thời đại, nghĩa là tới di sản văn hóa, xã hội và ngôn ngữ thời văn bản xuất hiện (từ gay trong câu thơ A poet could not but be gay chỉ có thể hiểu là vui vì thời đó chưa có nghĩa thêm: đồng tính, như hiện nay).
Sau đó Eco đã tiết lộ một số ý kiến hay ho về tác giả thực của Tên của bông hồng, khi tự đặt mình vào một vị trí khá đặc biệt: "vừa là vật thí nghiệm, vừa là nhà khoa học" đang nói với thính giả (của hội thảo) về một vài phản ứng của tác giả, trước một số lý giải của độc giả. Dưới đây chỉ có thể nêu vài ví dụ:
- Nhìn chung, Eco thấy thú vị về một số nguồn những nhà nghiên cứu hoặc người đọc phát hiện thấy khi đọc Tên của bông hồng: Có những nguồn ông đã sử dụng một cách hoàn toàn có ý thức và ông sung sướng thấy người đọc đã khám phá được cái mà ông đã giấu rất khéo léo với mục đích dẫn người đọc tìm ra cho được. Có những nguồn hoàn toàn xa lạ với ông, và ông cũng vui thích vì có ai đó tin rằng ông đã dẫn lại một cách bác học đến thế. Lại có những nguồn ông hoàn toàn không có ý thức nhớ lại khi viết, nhưng bởi ông đã đọc những tác phẩm này khi trẻ nên ông nghĩ rằng chúng vẫn đã ảnh hưởng một cách vô thức (Riêng có trường hợp một dịch giả người Nga đã phát hiện quyển Bông hồng Bratislasa của Henriot viết năm 1946 như một nguồn của Tên của hoa hồng, ông nói chưa hề đọc, và không chấp nhận đã chịu ảnh hưởng vì ông nhận thấy những hướng tìm bà đưa ra không dẫn đến cái gì thú vị).
- Đầu đề (và incipit) của một cuốn tiểu thuyết lớn thường được giới bình luận quan tâm rất nhiều. Eco ý thức rằng sẽ "phải đối mặt với nhiều cách dẫn giải" ông đã cố tình chọn một đầu đề để độc giả tha hồ tự do. "Hồng là một hình ảnh biểu trưng đầy ắp những nghĩa, đến nỗi cuối cùng nó chẳng còn nghĩa gì (...): bông hồng thần bí, và là hoa hồng, nàng đã sống giống như (thời gian - ND) các bông hồng, Cuộc chiến Hai bông hồng, một bông hồng là một bông hồng, những thập tự hồng, cảm ơn về những bông hồng lộng lẫy, cuộc đời màu hồng". Trong lời bình có vẻ lung tung này của Eco, ta thấy ông chẳng làm việc gì ngẫu nhiên. Ông đã trộn lẫn, như ông thường làm trong các trò chơi ưa thích của ông: những câu nói "đời thường" (cám ơn về những bông hồng (...), cuộc đời màu hồng) với những sự cố lịch sử (cuộc chiến Hai bông hồng) những hội tam điểm và nhất là với hai lời trích của thơ Ronsard và văn Mallarmé.
Riêng về diễn giải đầu đề Tên của bông hồng, có một cuốn sách, Eco rất tán thưởng: Một bông hồng gọi bằng bất cứ tên nào khác: tổng quan về hệ Hoa từ Shakespeare đến Eco. Riêng với một đoạn tác giả cuốn sách này chứng minh rằng "bông hồng của Eco" bắt nguồn từ quyển Cuộc phiêu lưu của Hiệp định Hải quân của Conan Doyle, Eco thú thật tuy tin rằng đã đọc hết tác phẩm của Doyle, nhưng ông hoàn toàn chưa đọc quyển trên. Tuy nhiên ông cho rằng điều đó không quan trọng: "Trong tiểu thuyết của tôi có một lượng quy chiếu minh nhiên tới Sherlock Holmes nhiều đến mức văn bản của tôi có thể chịu thêm mối liên hệ trên mà không có vấn đề gì".
Nhìn chung, ông tự nhận thấy không được "hào phóng" cho lắm với "tác giả thực". Mặt khác, ông nghĩ vẫn cần tìm hiểu vì quy trình sáng tác của tác phẩm, ở lĩnh vực này lời chứng của "Tác giả thực" là rất quan trọng. Tuy nhiên phân tích hai trường hợp chính ông viết ra một cách vô thức trong Tên của hoa hồng ông thấy "dường như chúng nảy sinh từ một mớ bòng bong chẳng liên quan - hoặc chưa liên quan - gì với văn học". Như vậy để đi đến chỗ ông kết luận: "Cuộc sống riêng tư của các "Tác giả thực", trên phương diện nào đó vẫn khó thăm dò hơn tác phẩm của họ. Giữa lịch sử bí ẩn của việc sản xuất ra một văn bản và sự trôi dạt không sao kiểm soát nổi của việc đọc nó sau này, thì văn bản trên phương diện là văn bản vẫn là hiện diện chắc chắn, nơi ta còn có thể bấu víu được".
III. Tham luận của Rorty: Tiến trình của nhà thực nghiệm
Bình luận về tham luận của Eco, Rorty chống lại ý kiến (theo ông nghĩ) cho rằng có thể cấp "một bản chất" cho một văn bản và diễn giải là cách đưa ra ánh sáng bản chất đó. Rorty cho rằng thay vì việc khám phá bản chất thực sự của một văn bản, vì văn bản không hề có "một bản chất" (nature) chỉ nên nghĩ đến những sự miêu tả khác nhau, tùy theo những mục đích ta thấy cần thiết, ông vốn tự nhận là một người anti essentialiste - chống lại thuyết bản chất - Rorty cho rằng một số vấn đề trước đây được coi trọng không còn đáng quan tâm và có thể vứt bỏ những nghiên cứu về "cách vận hành của văn bản" chỉ là những "luyện tập" vô bổ. Tóm lại, thay vì cho việc diễn giải văn bản, nên sử dụng chúng cho lợi ích của mình: nên có một nền phê bình không quan tâm tới "việc đọc qua một bìa lưới những quan niệm vô bổ định sẵn" mà phải là "kết quả của sự gặp gỡ với một tác giả, một nhân vật, một tình tiết, một đoạn thơ (...) dẫn tới một sự đổi khác trong quan niệm nhà phê bình có về mình (...): một sự gặp gỡ đảo lộn cả trật tự của các ưu tiên và các mục tiêu của mình".
Tạp chí Văn học nước ngoài, số 2/2005
Còn tiếp
------------------------------
Chú thích:
1 Ba tham luận này được tập hợp cùng với một số tham luận khác của hội thảo trong cuốn Umbérto Eco Interprétation et surinterpritation. Bản dịch tiếng Pháp: PVF 1996.
2 Umberto Eco - Đi tìm sự thật biết cười - Vũ Ngọc Thăng dịch từ nguyên bản tiếng Ý. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - 2004.
3 Umberto Eco đã đưa ra một ví dụ "nực cười" về khả năng có thể tách ra những hệ đồng vị khác nhau từ một câu chuyện: "Hai người bạn trao đổi ý kiến trong một cuộc tiếp tân; người thứ nhất khen ngợi thức ăn, sự phục vụ, thái độ lịch lãm của chủ nhân, vẻ đẹp của các nữ khách, và cuối cùng là sự sang trong của các "toilettes". Người thứ hai trả lời: anh ta chưa vào trong toilettes. Anh ta nực cười bởi đã có một ước đoán sai về phát biểu của người kia: anh ta hiểu từ toilettes theo nghĩa phòng toalet (chứ không phải quần áo) trong khi toàn bộ phát biểu của người kia liên quan đến một sự kiện xã hội, không phải về phòng ốc.
4 Umberto Eco - Interprétation et surinterprétation. sdd tr.72.