![]() |
Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ Hưng Lawrence S. Ting (trái). |
Theo phóng viên nhật báo Liên Hợp (Đài Loan) Gao Nian Yi, chiều 23/9, trước khi tự sát vài giờ, ông Ting đến văn phòng luật Vạn Quốc, đặt ở tầng 15 của cao ốc ở đoạn 3 đường Nhân Ái (Đài Bắc) để cùng các luật sư chuẩn bị hồ sơ giấy tờ liên quan đến các dự án và số vốn mà các đại cổ đông và ngân hàng yêu cầu phải giải trình. Ông Ting đã tỏ ra rất buồn vì sự nghi ngờ gian dối và làm ăn không hiệu quả của ông trong thời gian kinh doanh vừa qua. Thái độ buồn bã này đã bao trùm cả văn phòng công ty luật trong suốt khoảng thời gian làm việc với luật sư.
Khoảng 18h30 ông thông báo dừng cuộc làm việc để vào phòng vệ sinh, nhưng khá lâu mọi người không thấy ông quay lại. Đến khoảng 18h45 thì có tin báo một người nhảy từ lầu 15 của cao ốc này tự sát. Ngay sau đó, người ta đã tìm thấy cửa sổ ở nhà vệ sinh nam của tầng 15 bị mở tung (trên nguyên tắc cửa sổ này không được mở).
Theo những người có mặt tại hiện trường, thi thể của ông Ting bị vỡ nát do nhảy lầu quá cao, ban đầu khó có thể nhận dạng. Nhưng sau điều tra ra mới biết là Lawrence S. Ting - Chủ tịch HĐQT Công ty Khoa học kỹ thuật và Công ty CT&D và là phó chủ tịch Hội Olympic Trung Hoa. Vợ của ông Ting sau đó đã được mời đến để nhận xác và làm các thủ tục liên quan.
Trong những giấy tờ ông Ting để lại có văn bản viết tay. Theo phóng viên Gao, nội dung trong văn bản viết tay này là: thứ nhất, xin lỗi các đại cổ đông về những khó khăn trong các dự án mà ông đã không hoàn thành trong thời gian qua, thứ hai là các thông tin và lời dặn dò của ông với những người thân trong gia đình. Còn thông tin thứ ba hiện vẫn chưa công bố với giới truyền thông.
Theo một số tài liệu, từ cách đây vài tháng, ông Lawrence S. Ting đã tiết lộ một áp lực mà ông đang phải chịu đựng. Vào tháng 5, ông Chen Chinh Chih - Chủ tịch HĐQT Công ty vận tải đường biển Vạn Hải (Wanhai), cổ đông nắm 2/3 cổ phần của công ty Phát triển mậu dịch trung ương CT&D) Đài Loan -nhân danh cá nhân và thay mặt những thành viên khác trong gia tộc họ Chen đã có bức thư “hầu làm sáng tỏ về việc tài trợ cho Công ty CT&D, Đài Loan và cho những công ty con nắm trọn vốn của nó”.
Trong thư, ông Chen cho biết đến nay nhiều người vẫn tưởng CT&D - Đài Loan là một công ty chỉ do hai người chung nhau bỏ vốn là Lawrence S.Ting và Ferdinand Tsien. Tuy nhiên, ông Chen khẳng định, việc tài trợ cho Công ty CT&D cũng như việc sở hữu công ty này “sẽ làm sáng tỏ rằng phần lớn những rủi ro tài chính của công ty đã do gia tộc họ Chen gánh chịu chứ không phải hai người vừa nêu”.
Theo ông Chen, ngày 20/9/1989, một bản thỏa thuận được ký để thành lập Công ty CT&D nhằm đầu tư vào VN bởi bốn người bỏ vốn, gồm Công ty Central Investment Corporation (CIC-KMT) do ông Albert L.T.Hsu đại diện; Công ty Ching Cheng Investment Corporation do ông Lawrence S.Ting đại diện; Ferdinand Tsien và ông Chen Chinh Chih.
Bốn người này đã thỏa thuận qua hợp đồng rằng số vốn được huy động của CT&D là 150 triệu đài tệ (khoảng 6 triệu USD), sẽ do các bên bỏ vào theo tỷ lệ: CIC-KMT 75%, Lawrence S.Ting và Ferdinand Tsien mỗi người 10% và Chen Chinh Chih 5%. Lawrence S.Ting được cử làm chủ tịch HĐQT của CT&D trong nhiệm kỳ ba năm đầu tiên.
Tháng 9/1991, ông Chen cho biết số vốn góp của Công ty CT&D được nâng lên thành 250 triệu đài tệ. Phần lớn số vốn này được dùng để thành lập Công ty Fortuna Development Corporation Liberia (Fortuna Liberia), một công ty con nắm trọn vốn nhằm thực hiện việc đầu tư tại VN.
Fortuna Liberia và các công ty con phụ thuộc đã đầu tư 97 triệu USD vào các dự án trồng rừng, Công ty chế xuất Tân Thuận, chương trình trồng chuối, Công ty PMH và Công ty điện Hiệp Phước. Đến năm 1994, tổng số vốn lưu động cần thiết cho tất cả các dự án này đòi hỏi phải bỏ thêm khoảng 100 triệu USD.
Do đó bốn người nắm vốn của CT&D đã thỏa thuận: CIC-KMT bán 65% trong tổng số 75% vốn của họ trong CT&D cho ba người còn lại theo tỷ lệ: Lawrence S.Ting và Ferdinand Tsien mỗi người 20%, còn 25% cho Chen Ching Chih. Theo ông Chen, tuy chỉ nắm số vốn mới trong CT&D nhưng Chen Ching Chih đã trả cho CIC-KMT khoảng 38,8 triệu USD “vì hai cổ đông kia không có đủ tiền để trả cho phần vốn mà họ nắm thêm vào lúc đó”.
Tháng 8/1994, Fortuna Liberia bán tất cả tài sản có và nợ của mình, kể cả những quyền lợi khác cho Fortuna Cayman. Tháng 11/1995, các dự án đòi hỏi phải có thêm vốn lưu động Fortuna Liberia thông qua Metropolitan Development Corporation (MDC), ký một hợp đồng vay vốn với tổng số tiền 170 triệu USD. Hợp đồng này được bảo đảm bằng số cổ phần đã phát hành “do Chen Ching Chih và những thành viên khác của gia tộc họ Chen nắm giữ”.
Từ 1996 đến 1999, theo ông Chen, các khoản vốn góp thêm, vay thêm hoặc tài sản thế chấp đều “do gia đình họ Chen”. “Từ tất cả những sự việc rủi ro nêu trên, rõ ràng là đa số rủi ro về vốn dài hạn, dù là vốn đóng đã góp hay là để bảo đảm các hợp đồng vay nợ, thì đều do gia tộc họ Chen gánh vác cả”, Chen khẳng định.
Sau đó, theo một công văn ký vào tháng 6, Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh PMH Lawrence S.Ting cho biết hiện nay khó khăn lớn nhất là “chúng tôi đang đứng trước một áp lực rất lớn về việc phải hoàn trả khoản vay 190 triệu USD cho liên ngân hàng của Đài Loan” (tám ngân hàng ở Đài Loan, trong đó có ba ngân hàng yêu cầu lập tức phải hoàn trả do đến hạn vay là Đệ Nhất ngân hàng, ICBC và Vạn Thái ngân hàng).
Nguyên nhân chính gây nên áp lực, theo ông Lawrence S.Ting, là vì phía nước ngoài có một cổ đông là ông Chen đã nói với ngân hàng muốn rút bảo chứng về, do lo sẽ có sự phản ứng dây chuyền nên công ty đã đình chỉ chức vụ thành viên HĐQT của ông Chen.
Ông Lawrence nói rằng, tình hình hiện nay là rất khẩn cấp, chỉ cần các ngân hàng trên có tổng số mức cho vay bằng 2/3 tổng vốn vay thông qua yêu cầu “lập tức đến hạn” là CT&D phải lập tức hoàn trả toàn bộ số tiền này.
(Theo Tuổi Trẻ)