Tổng thống Volodymyr Zelensky đầu tháng này cho biết hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở các kho chứa của Ukraine do Biển Đen bị phong tỏa và con số này có thể lên tới 70-75 triệu tấn vào mùa thu tới, khi nông dân thu hoạch vụ mùa tiếp theo. Liên Hợp Quốc cảnh báo nếu lượng ngũ cốc này không được giải phóng, thế giới có thể đối mặt với khủng hoảng lương thực kéo dài.
David Ortega, nhà kinh tế học kiêm phó giáo sư Đại học bang Michigan, Mỹ đồng tình với nhận định này, cho rằng nguy cơ chiến sự Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là rất lớn.
"Ukraine là nhà cung cấp và xuất khẩu lớn ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, ngô hay dầu hướng dương. Nga cùng Ukraine chiếm hơn 1/4 nguồn cung lúa mì trên thế giới, trong đó các nước châu Phi và Trung Đông như Ai Cập, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều vào nguồn lương thực này", phó giáo sư Ortega nói với VnExpress.
Nhiều nước phương Tây cũng đưa ra cảnh báo tương tự, khi nỗ lực tìm cách tháo dỡ phong tỏa ở Biển Đen chưa đạt được kết quả cụ thể. Tuy nhiên, Nga tuần trước bác bỏ ý tưởng cho rằng số lương thực bị mắc kẹt ở Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.
"Không nhất thiết phải phóng đại mức độ quan trọng của số ngũ cốc dự trữ này", Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói. "Nó chỉ chiếm một phần quá nhỏ để có thể tác động tới một cuộc khủng hoảng lương thực đã bắt đầu từ trước. Xung đột Ukraine không gây ra hoặc đẩy nhanh cuộc khủng hoảng lương thực của thế giới".
Phó giáo sư Ortega bác bỏ tuyên bố này của ông Peskov, cho rằng nó không bắt nguồn từ thực tế. "Với tầm quan trọng của khu vực đối với sản xuất ngũ cốc toàn cầu, xung đột ở Ukraine càng kéo dài, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu càng lớn", ông nói.
Theo Ortega, khủng hoảng lương thực không nhất thiết do thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine gây ra, mà có thể bắt nguồn từ tình trạng giá cả thực phẩm tăng trên toàn thế giới. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%.
"Giá lương thực toàn cầu đang gần ở mức cao nhất mọi thời đại. Hậu quả là một số khu vực và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất có thể đối mặt với nạn đói, kéo theo bất ổn xã hội", phó giáo sư Đại học Michigan nói. "Cảnh báo của LHQ phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình".
David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) ở Mỹ, cũng nhận định hơn 20 triệu tấn lương thực mắc kẹt ở Ukraine là đáng lo ngại, nhưng đây chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá lương thực lên cao trên toàn cầu.
"Sẽ hơi quá khi nói rằng việc giải phóng số lương thực bị mắc kẹt khỏi Ukraine giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng và tránh đơn giản hóa vấn đề", ông Laborde nói.
Theo ông, nếu các bên như Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận dỡ phong tỏa Biển Đen, mở lại các cảng biển, đó sẽ là động thái làm dịu tình hình và gửi một thông điệp tích cực cho tương lai. Tuy nhiên, giải phóng hơn 20 triệu tấn lương thực ở Ukraine sẽ không đủ để giúp ngăn khủng hoảng lương thực toàn cầu, bởi mất an ninh lương thực do nhiều yếu tố gây ra.
"Chúng ta vẫn phải đối mặt với giá ngũ cốc cao và khủng hoảng lương thực không biến mất nếu chiến sự ở Ukraine chưa được giải quyết", ông nói. "Khi giao tranh kéo dài, đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá, nông dân phải gia nhập quân đội thay vì trồng trọt, chúng ta vẫn sẽ thiếu một phần lương thực quan trọng trên thị trường toàn cầu".
Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 13/6 cho biết nước này mất 1/4 diện tích đất canh tác từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, đặc biệt ở phía nam và đông. Trước chiến sự, Ukraine có hơn 30 triệu ha đất canh tác, theo tổ chức phi chính phủ Trung tâm Dữ liệu Thế giới.
Chuyên gia Laborde cho biết thị trường toàn cầu đang dần thích nghi với xung đột và nông dân ở các nước khác cũng bắt đầu có những kế hoạch canh tác phù hợp để đối phó với khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, một số nước như Ấn Độ lại ứng phó bằng cách áp lệnh cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Laborde cho rằng những lệnh cấm xuất khẩu như vậy là động thái mà các chính phủ nên tránh, nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu trên thị trường quốc tế, đồng thời bảo vệ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất. Các quốc gia và cơ quan quốc tế nên đặt ra mục tiêu trung và dài hạn để giúp hệ thống lương thực sẵn sàng đối phó với những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.
Khẳng định thế giới có đủ lương thực để nuôi sống tất cả, phó giáo sư Ortega chỉ ra "điểm nghẽn" gây khủng hoảng là hệ thống phân phối thực phẩm chưa hợp lý. Ông thêm rằng kịch bản tốt nhất vẫn là khôi phục xuất khẩu lương thực ở Ukraine, Nga và dòng chảy thương mại toàn cầu được đảm bảo thông suốt.
Ngoài nỗi lo ngũ cốc xuất khẩu từ Nga và Ukraine bị ảnh hưởng, nguồn cung phân bón bị gián đoạn do chiến sự và các lệnh trừng phạt cũng khiến nhiều chuyên gia quan ngại về nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa" khủng hoảng lương thực.
Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới khi chiếm hơn 12% thị trường toàn cầu. Nga cùng Ukraine xuất khẩu 28% lượng phân bón NPK của thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga và Belarus, trong khi các nhà máy phân bón Ukraine gần như tê liệt vì chiến sự.
"Tình trạng gián đoạn thị trường phân bón là mối đe dọa nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng tới tất cả nông dân trên thế giới", Laborde cảnh báo.
Phó giáo sư Ortega cho rằng tình trạng này sẽ khiến giá phân bón ngày càng tăng cao và gây hậu quả lâu dài. Nông dân có thể buộc phải giảm hoặc cắt hoàn toàn phân bón cho cây trồng, dẫn tới sụt giảm sản lượng và gây rủi ro cho an ninh lương thực toàn cầu.
Để góp phần giải quyết vấn đề, giới chuyên gia nhận định các nước phương Tây nên điều chỉnh biện pháp trừng phạt để tránh gây ảnh hưởng tới nguồn cung phân bón từ Nga, cũng như các quốc gia cần tìm cách hướng dẫn hoặc cung cấp công nghệ cho nông dân để sử dụng phân bón hiệu quả, tránh lãng phí.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhất trí rằng giải pháp tốt nhất cho tất cả vấn đề trên là chấm dứt xung đột Ukraine.
"Những gì thế giới cần là hòa bình", Laborde nói. "Xung đột càng kéo dài, khủng hoảng lương thực càng tồi tệ, do thị trường ngũ cốc, phân bón, năng lượng bị đứt đoạn. Thay vì chi hàng tỷ USD cho vũ khí và hoạt động tác chiến, các nước nên dành nguồn lực này để giúp đỡ những người nghèo khổ đang trên bờ vực của nạn đói".
Thanh Tâm