Từ việc đảm bảo Ukraine có đủ vũ khí cần thiết để đối đầu lực lượng Nga và thúc giục đồng minh phương Tây hành động quyết liệt hơn nữa, cho đến lôi kéo ủng hộ của dư luận Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Chuyến thăm Ukraine hồi đầu tuần trước và thông điệp được Tổng thống Biden đưa ra sau đó ở Ba Lan một lần nữa nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong nỗ lực ủng hộ Kiev. "Các bạn nhắc nhở chúng tôi rằng tự do là vô giá", ông nói khi đứng cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. "Nó đáng để chúng ta đấu tranh... Và trong suốt quá trình đó, chúng tôi sẽ sát cánh bên ngài, cho đến chừng nào còn cần thiết".
Trong một năm qua, Ukraine đã chịu sức ép quân sự rất lớn từ Nga, nhưng vẫn giữ được phần lớn lãnh thổ và mở đợt phản công quy mô lớn nhờ nguồn vũ khí viện trợ từ phương Tây. Lực lượng Nga hứng chịu loạt bước lùi trên chiến trường, nhưng khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai, cục diện vẫn chưa ngã ngũ.
Đối với Tổng thống Biden, tác động của cuộc chiến với chính trị trong nước nhìn chung vẫn thuận lợi, khi đa phần người Mỹ coi Nga là đối thủ và bày tỏ ủng hộ Ukraine. Nhưng trong những tháng tới, khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 diễn ra, những cuộc tranh luận liên quan đến nỗ lực viện trợ Kiev và vai trò lãnh đạo của Washington có thể sẽ trở nên gay gắt hơn, theo giới phân tích.
Một số ứng viên Cộng hòa, nổi bật nhất là cựu tổng thống Donald Trump, thể hiện lập trường ít cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tiếp tục thúc đẩy quan điểm "nước Mỹ trên hết". Kết quả bầu cử tổng thống 2024 nhiều khả năng sẽ phụ thuộc lớn vào cách Tổng thống Biden xử lý cuộc xung đột Ukraine.
Thuyết phục đồng minh tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Theo giới tình báo quân sự phương Tây, chiến dịch tấn công mới của Nga ở miền đông Ukraine đã bắt đầu. Quân đội Ukraine đang nỗ lực phòng ngự, cũng như chuẩn bị cho cuộc phản công dự kiến diễn ra vào mùa xuân, nhằm giành lại những vùng lãnh thổ Nga kiểm soát.
Khi hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ, xung đột có thể kéo dài hết năm nay hoặc xa hơn nữa. Trong hoàn cảnh đó, sự ủng hộ của phương Tây cũng như nỗ lực đối phó Nga của ông Biden có được duy trì lâu dài hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả chiến dịch phản công của Ukraine, theo bình luận viên Dan Balz của Washington Post.
Điều này đặt ra thách thức lớn với Tổng thống Biden, khi ông phải đảm bảo rằng quân đội Ukraine có đủ khí tài cần thiết, theo cách kịp thời nhất có thể, để mở đợt phản công. Trong chuyến thăm Kiev, ông chủ Nhà Trắng đã liệt kê những loại xe tăng, xe bọc thép, hệ thống pháo, đạn dược, bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không và các khí tài khác mà Ukraine nhận được trong năm qua. Nhưng chúng vẫn chưa đủ để có thể tạo nên bước ngoặt trên chiến trường.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 46 tỷ USD. Nước viện trợ quân sự nhiều thứ hai cho Ukraine là Anh, với hơn 5 tỷ USD, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, trụ sở tại Đức.
Theo Balz, Tổng thống Biden đã quản lý tốt liên minh hỗ trợ Ukraine trong năm qua, nhưng Mỹ chủ yếu vẫn là bên gánh phần lớn trọng trách viện trợ vũ khí. Ông luôn cố gắng tránh làm bất cứ điều gì có thể kích động Nga, nhưng những bước đi cẩn trọng đó khiến quá trình vận chuyển vũ khí cũng như huấn luyện cho binh sĩ Ukraine bị trì hoãn đáng kể.
"Cam kết bằng lời nói của chúng tôi đã vượt quá khả năng thực hiện", Stephen Hadley, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận xét. "Chúng tôi đã chậm 6 tháng tiến độ cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự mà họ cần".
Một năm qua, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giữ cho Mỹ và các đồng minh châu Âu cùng chung lý tưởng. Ví dụ gần đây nhất là việc chuyển giao xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine. Berlin đã đồng ý cung cấp xe tăng Leopard và cho phép các quốc gia khác chuyển những chiếc xe tăng tương tự từ kho của họ cho Kiev, nhưng chỉ sau khi chính quyền Biden phê duyệt chuyển một lô xe tăng M1 Abrams. Các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện, nhưng lượng xe tăng chuyển giao vẫn chưa theo kịp cam kết.
Ukraine đang yêu cầu được cung cấp tiêm kích F-16, loại khí tài hiện đại được cho là sẽ yểm trợ đắc lực cho chiến dịch phản công của họ. Tổng thống Biden và Zelensky đã thảo luận vấn đề này ở Kiev, nhưng cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 23/2 lưu ý rằng F-16 không phải chìa khóa cho các trận chiến mùa xuân sắp tới mà là nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn.
Nhưng áp lực không ngừng gia tăng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul đang hối thúc chính quyền Tổng thống Biden phê duyệt viện trợ tiêm kích F-16 ngay lập tức để đẩy nhanh tốc độ giao hàng và huấn luyện phi công.
Duy trì ủng hộ của dư luận Mỹ
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Mỹ vẫn ủng hộ cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng xung đột càng kéo dài, chính quyền Biden có thể phải làm nhiều việc hơn nữa để duy trì động lực này.
Cuộc thăm dò gần đây nhất do Washington Post kết hợp với ABC News thực hiện cho thấy 40% công chúng đánh giá Mỹ đang làm "đúng mực" trong hỗ trợ Ukraine, trong khi hơn 33% nói rằng hỗ trợ này là "quá nhiều" và khoảng 20% cho rằng như vậy là "quá ít". Nhưng 51% đảng viên Cộng hòa và những người độc lập nghiêng về đảng Cộng hòa lại tin rằng Washington đang làm quá nhiều.
Một cuộc thăm dò của Fox News cho thấy 48% công chúng tán thành phản ứng của Tổng thống Biden với xung đột ở Ukraine, tăng từ 40% vào tháng 8 năm ngoái. 50% nói rằng Mỹ nên hỗ trợ Ukraine chống lại Nga "đến khi giành chiến thắng".
Song những cuộc thăm dò cũng phản ánh chia rẽ đảng phái rõ ràng, khi các đảng viên Cộng hòa phần lớn không tin vào những gì Tổng thống Biden đã cam kết với đất nước.
Tại hội nghị an ninh mới đây ở Munich, Đức, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nêu rõ quan điểm của đảng Cộng hòa. "Chúng tôi cam kết giúp đỡ Ukraine", ông tuyên bố. "Không phải vì những lập luận đạo đức mơ hồ hay trừu tượng như cái gọi là 'trật tự quốc tế dựa trên luật lệ' mà đúng hơn là vì lợi ích cốt lõi của quốc gia đang bị đe dọa. An ninh của chúng ta liên kết chặt chẽ và nền kinh tế gắn liền với nhau".
McConnell đã thúc giục các đồng minh châu Âu làm nhiều hơn nữa trong hỗ trợ Ukraine và đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ gây sức ép lớn hơn lên Tổng thống Biden để đảm bảo rằng Washington không phải chịu gánh nặng một mình. "Những người bạn của Mỹ ở châu Âu phải thể hiện quyết tâm và đáp lại cam kết mà các bạn hy vọng thấy từ chúng tôi", McConnell tuyên bố tại Munich.
Khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 bắt đầu khởi động, những cuộc tranh luận nội bộ đảng Cộng hòa liên quan đến chiến sự Ukraine có thể sẽ trở nên gay gắt hơn.
Thống đốc Florida Ron DeSantis gần đây đặt câu hỏi về chính sách của Tổng thống Biden, cho rằng nước Mỹ không có lợi khi "can dự vào những thứ như xung đột ở vùng biên giới hay bán đảo Crimea".
Câu hỏi liệu chính quyền Biden đã nỗ lực đủ để thuyết phục công chúng tin rằng viện trợ cho Ukraine chính là vì lợi ích quốc gia sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận trên chính trường Mỹ khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, theo giới quan sát.
Tổng thống Biden chỉ dành vài đoạn trong Thông điệp Liên bang của mình để nói về Ukraine, nhưng chuyến đi tới Kiev hôm 20/2 lại cho thấy ông cam kết mạnh mẽ thế nào với Ukraine.
Trước câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có nên nỗ lực hơn để giải thích chiến lược Ukraine của mình cho cử tri Mỹ hay không, Garin nhận định ông Biden "đến nay chủ yếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh đạo đức khi đề cập lý do chính quyền của ông quan tâm đến Ukraine như vậy".
"Có lẽ sẽ đến lúc ông ấy cần giải thích rõ ràng hơn nữa để mọi người hiểu tại sao hỗ trợ Ukraine lại vì lợi ích chiến lược của Mỹ. Tôi nghĩ thời điểm đó đã đến", Garin cho hay. Những tháng tới, áp lực làm rõ điều này sẽ liên tục gia tăng với Tổng thống Biden.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)