Là một trong hàng triệu người tham gia biểu tình ở Hong Kong suốt 100 ngày qua, Jane thấy ngày càng bất đồng với mẹ, người luôn kịch liệt phản đối các hoạt động biểu tình.
"Sau mỗi lần cãi nhau, mẹ sẽ không nói chuyện với tôi cả tuần", cô gái 24 tuổi cho hay. "Nhà ở Hong Kong rất nhỏ. Chúng tôi chỉ cách nhau một bức tường. Vì vậy tôi phải rời đi".
Việc này khiến Jane rất buồn, vì mẹ là người một tay nuôi nấng cô trưởng thành.
"Chúng tôi dành cả cuộc đời bên nhau, chỉ có mẹ và tôi, vậy mà bà không đứng về phía tôi", Jane nói. "Tôi cảm thấy bất lực".
Hong Kong rơi vào bất ổn suốt ba tháng qua vì các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, theo đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực tài phán mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 4/9 thông báo rút hoàn toàn dự luật dẫn độ song những người biểu tình vẫn chưa thỏa mãn vì cho rằng động thái trên là "quá muộn và quá ít". Họ tiếp tục xuống đường nhằm yêu cầu chính quyền đáp ứng 4 yêu cầu còn lại, gồm tổ chức một cuộc điều tra độc lập về biểu tình, tiến hành bầu cử dân chủ hoàn toàn, bỏ thuật ngữ "nổi loạn, bạo loạn" khi mô tả các cuộc biểu tình và thả những người biểu tình bị bắt.
Jane tự nhận mình là người ôn hòa, không phải là người đi đầu đụng độ với cảnh sát hoặc có các hành vi bạo lực. Cô cố giải thích về quan điểm của những người biểu tình với mẹ nhưng bà không nghe.
"Bà tin vào những điều Trung Quốc nói, tin rằng người ngoại quốc trả tiền cho người biểu tình và tất cả những người biểu tình đều là côn đồ", Jane nói. "Bà không bao giờ tin tôi".
Những người tham gia biểu tình đa số là thanh niên. Một số nghiên cứu cho thấy một nửa trong độ tuổi từ 20 tới 30, 77% là người có bằng cấp. Họ tự nhận bất hòa về ý thức hệ với cha mẹ hoặc người thân lớn tuổi, những người cho rằng Hong Kong phát triển hơn từ khi về với Trung Quốc năm 1997.
Đối với nhiều thanh niên Hong Kong, cuộc đấu tranh trên đường phố vẫn tiếp tục trên bàn ăn tối.
"Ban đầu, chúng tôi ăn trong im lặng. Thật tuyệt vọng khi bây giờ tôi sẽ chưa về nhà tới khi biết chắc bố mẹ đã lên giường đi ngủ", Chris, một người biểu tình trẻ tuổi vừa tốt nghiệp và bắt đầu công việc tài chính ở một ngân hàng hàng đầu, nói.
"Tôi nghĩ rằng vấn đề bắt nguồn từ giáo dục", cậu nói, giải thích bố mẹ mình từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong những năm 1990 với hy vọng có cuộc sống tốt hơn.
"Điều bố mẹ tôi muốn là ổn định và no ấm. Nhưng tôi muốn nhiều hơn thế và tôi sẽ đấu tranh vì nó", Chris nói, mô tả cuộc sống gia đình của mình đang xoay quanh cuộc xung đột "chúng tôi và bố mẹ" như thế nào.
"Tôi không thể nói chuyện với đồng nghiệp vì không tin họ. Tôi cũng không thể nói chuyện với bố mẹ ở nhà vì họ sẽ mắng tôi, tôi cảm thấy rất thất vọng", Chris nói.
Julia, sinh viên 19 tuổi, rất ngạc nhiên khi gia đình tranh cãi.
"Tôi không biết là chúng tôi khác biệt như thế nào cho tới mùa hè năm nay", cô nói, giải thích bố mẹ không hay biết con gái luôn đứng đầu hàng ngũ biểu tình đối mặt với cảnh sát chống bạo động. Sau những lần cãi và vì Julia ủng hộ biểu tình, bố mẹ dọa sẽ cắt viện trợ tài chính cho cô.
"Họ đe dọa tôi, cuối cùng tôi cắt thẻ tín dụng và bắt đầu nói dối", Julia nói, cho biết việc học hành và sinh hoạt hiện phụ thuộc hoàn toàn vào công việc bán thời gian.
Về phần Jane, cô đang sống nhờ nhà của một bạn gái. Bố mẹ người bạn này cũng phản đối biểu tình nhưng Jane cho hay họ đã đưa ra một thỏa hiệp không hề dễ dàng, rằng đôi bên có quan điểm chính trị khác nhau.
"Chúng tôi không bao giờ bàn về chính trị, chỉ nói về chó mèo", Jane đùa. "Nhưng tôi cảm thấy đó chỉ là bức tường mỏng manh".
Hồng Hạnh (Theo AFP)