Đêm trước cuộc bầu cử ở bang Tây Australia năm 2013, một nhóm bạn trẻ ngồi tập trung thảo luận về cách bỏ phiếu. Giữa không khí tranh luận sôi nổi về chính trị và chính sách, một câu hỏi "cấp bách" hơn xuất hiện và họ lập tức đăng nó lên Twitter.
"Chào mọi người, hãy cho chúng tôi biết nơi bạn sẽ tìm thấy món xúc xích vào ngày mai", Kimberley Seats, người có mặt đêm đó kể về dòng trạng thái được đăng lên Twitter, kèm hashtag #democracysausage (xúc xích dân chủ). Kể từ đó, cụm từ này nhanh chóng phổ biến và trở thành một phần của văn hóa chính trị Australia.
Năm 2016, Trung tâm Từ điển Quốc gia Australia tuyên bố "xúc xích dân chủ" trở thành "Từ của năm". Kể từ đó, người dùng mạng xã hội Australia thường xuyên sử dụng thuật ngữ này để chỉ việc mình đã hoàn thành nghĩa vụ bỏ phiếu của công dân. Trong cuộc thăm dò mới nhất, Australia năm nay dự kiến mở 1.800 điểm bầu cử trên khắp cả nước, nơi cử tri có thể vừa bỏ phiếu vừa mua xúc xích.
Cụm từ "xúc xích dân chủ" dường như cũng đang trở thành hiệu ứng toàn cầu, khi món ăn dân dã này được bày bán tại các điểm bỏ phiếu ở cơ sở ngoại giao Australia tại London, New York, Tokyo, Berlin, Kuala Lumpur và Vanuatu. Theo thống kê, biểu tượng xúc xích đã được tự động thêm vào các hashtag liên quan trong hơn hai triệu dòng trạng thái Twitter mùa bầu cử này.
Ngoài ra, Twitter cũng hợp tác với các đơn vị tổ chức bầu cử Australia nhằm chỉ dẫn cho người dùng tìm thấy các điểm bỏ phiếu, cũng là điểm bán xúc xích bằng một ứng dụng tương tác trong ngày bầu cử. Google cũng sử dụng dữ liệu bản đồ tương tác để làm điều tương tự.
Năm nay, tỷ lệ đăng ký bỏ phiếu ở Australia đạt mức kỷ lục với hơn 16 triệu người, tương đương gần 96% cử tri. Tỷ lệ này ở Mỹ năm 2016 là 61% và ở Anh năm 2017 là 69%, cả hai quốc gia trên không bắt buộc đăng ký bầu cử.
Việc xúc xích trở thành biểu tượng cho ngày bầu cử ở Australia bắt nguồn từ truyền thống ăn điểm tâm với món bách mỳ kẹp xúc xích vào buổi sáng ngày bỏ phiếu bầu quốc hội nhằm lựa chọn ra đảng cầm quyền và thủ tướng mới của người Australia.
Tại các điểm bỏ phiếu ở trường học và nhà thờ, nhiều tổ chức xã hội hay thiện nguyện mở quầy bán sandwich kẹp xúc xích phục vụ cho cử tri nhằm lấy tiền gây quỹ, số tiền có thể được sử dụng để xây thư viện hoặc thiết bị mới cho các trường học. Nhiều người thậm chí còn cho rằng ăn xúc xích khi đi bỏ phiếu là truyền thống giúp cho các cử tri trở nên đoàn kết hơn.
Theo nhà sử học chính trị Judith Brett, xúc xích bắt đầu được bán tại các quầy hàng di động trong các sự kiện cộng đồng ở Australia từ những năm 1980. "Nền dân chủ Australia sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu những quầy bán xúc xích", cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng nói khi ông bỏ phiếu tại Sydney.
Mai Lâm (Theo CNN)