Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11 đạt gần 12 tỷ USD, giảm 5% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn (giảm 12%), còn gần 11 tỷ USD dẫn tới cán cân thương mại tháng này thặng dư hơn 1 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm trở lại đây.
Như vậy, trong hai tháng đầu quý IV, cả nước đã xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD, điều hiếm có trong những năm trước khi quý cuối năm nhu cầu nhập khẩu thường lên cao để phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Trước đó, cùng kỳ năm 2010 cả nước nhập siêu tới 2,4 tỷ USD, cùng kỳ năm 2011 nhập siêu 1,3 tỷ USD và chỉ có từ năm 2012 đến nay xuất siêu (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu khoảng 500 triệu USD).
Theo các chuyên gia, nhập siêu giảm cũng một phần do nhu cầu trong nước còn yếu và sản xuất chưa thực sự phục hồi. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm nay tăng 12,6%, nhưng nếu trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm nay ước tính tăng 5,6%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006 - 2011.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực chính cải thiện cán cân thương mại khi xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD trong tháng 11, trong khi khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu gần 400 triệu USD.
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Mỹ tiếp tục là thị trường đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 1,7 tỷ USD, tiếp theo là Hongkong, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Đức, Anh. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc (hơn 2 tỷ USD), Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore.
Tính từ đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 900 triệu USD, vượt kỳ vọng của Chính phủ.
Phương Linh