![]() |
Một thầy bói người Hoa xem bói cho khách hàng Việt Nam. Ảnh: NLĐ |
Từ sáng sớm chị Thu Hồng (TP Lào Cai) đã nhờ người nhà trông hàng, sau đó, cùng với mấy đồng nghiệp buôn bán xuất ngoại đầu năm. Việc này đã thành thông lệ của nhiều người dân Lào Cai bởi cuộc sống của họ mang tính đặc thù của vùng biên giới.
Từ cửa khẩu, cả nhóm đã tiến về khu phố Quảng Ninh thuộc huyện Hà Khẩu, Vân Nam. Gần cuối đường có 3 hàng bói ghi bằng chữ Hoa nhưng không quên mấy dòng quảng cáo tiếng Việt “bốc thăm xem bói”. Khi được hỏi, một phiên dịch ngồi cùng thầy bói ra giá “8 nhân dân tệ cho một lần xem tay”.
Cầm tay chị Thu Hồng nhìn ngắm một lúc, thầy phán một tràng bằng tiếng Hoa. Chị phiên dịch nhìn vào mắt chị Hồng nói dứt khoát: “Nhà chị có tiền nhưng không có hạnh phúc. Cuộc sống 10 phần, truân chuyên đến 8 phần”. Chị Hồng lặng người, trong khi thầy vẫn nhìn vào các đường chỉ tay của chị và quay sang phiên dịch tiếp tục nói. Thầy “phán” thêm: “Nhà chị ở trên đất độc lắm, có người chết oan. Anh em nhà chị đều bị ảnh hưởng hết, không trừ một ai". Chị Thu Hồng ngỏ ý muốn thầy xem phần mộ, thầy cho hay, xem mộ phải xem bằng tiền xu cổ, bắt quẻ, giá 88 tệ (gần 200.000 đồng). Nếu xem phong thủy, xem mộ phần thì mất 888 tệ.
Cách đó không xa, một bà thầy bói đang xem tay cho một khách du lịch sang Trung Quốc chơi. Khách hàng giật mình khi bà thầy khẳng định: “Từ lúc 8 tuổi đến bây giờ, chưa có một ngày nào chị được yên ổn. Cuộc sống của chị có quá nhiều trăn trở, cái tâm của chị không bao giờ nhẹ nhõm được. Khoảng 6 năm nữa, anh nhà chị sẽ làm ăn tốt, nhưng gia đình cũng vào cảnh ly tán”. Người xem vây thành đám chăm chú nghe thầy đọc vanh vách số phận người khác.
Thậm chí trong đám người đứng xem có cả người dân tộc H’Mông, ngồi nghe không sót từ nào và cho tay vào túi áo, móc sẵn 20.000 đồng để gieo quẻ. Người Trung Quốc thích con số 8 (bát), do phát âm của nó gần giống từ “phát”.
Khi khách hỏi, sao thầy lại xem cho người Việt được? Câu này được thầy đáp: “Ma ở đâu cũng là ma, người ở đâu cũng giống nhau thôi. Sống khôn, ắt thác thiêng”.
Người mê bói toán vẫn có thói quen “truyền khẩu” thầy nào hay, thầy nào dở. Theo rỉ tai của dân buôn bán, tại chợ Cốc Lếu, đất Lào Cai không thiếu thầy bói, thậm chí là những ông thầy mo “xịn” từ các dân tộc ít người.
Tuy vậy, nhiều người vẫn “sính ngoại”, mời các thầy sang làm lễ. Nhiều nhất là xem phong thủy, vì người Trung Quốc vốn nổi tiếng về việc này. Có người ở tận Vĩnh Phúc, khi sang Trung Quốc chơi, xem bói chỗ thầy, nghe thầy “phán” sợ quá bèn đặt tiền “rước” thầy về xem phong thủy tại quê nhà.
Chưa tính chi phí xe cộ, nguyên tiền công mời thầy về đã mất tới 888 tệ (gần 2 triệu đồng). Sau khi thầy xem phong thủy, lại phải tổ chức cúng bái cả một ngày trời, cả nhà lại thuê một chuyến xe mời thầy lên Sa Pa chơi 2 ngày.
Vì thế cũng dễ hiểu, đến tận 29 Tết mà thầy bói Trần Ngọc Long và người phiên dịch của mình vẫn lọ mọ về Phú Thọ xem phong thủy và cúng “chốt chặn” cuối năm cho gia chủ. Những chuyến đi của thầy Trần Ngọc Long nhiều khi kéo dài cả tuần lễ. Người xem và người phiên dịch gắn bó như hình với bóng. Ngày nhiều nhất, thu nhập của họ được hơn 1.000 tệ.
Đội ngũ phiên dịch cho các thầy bói chủ yếu là người VN. Họ thuê người Việt vì nhiều lẽ: hiểu phong tục, tập quán, thông thạo tiếng Việt... nhưng điều quyết định nhất là giá tiền công rẻ. Chị Nguyễn Thị Liên theo thầy Ngọc Long phiên dịch được 6 tháng. Mỗi tháng chị Liên được trả 300 tệ (hơn 600.000 đồng), cộng thêm phần trăm số tiền kiếm được.
Dù các thầy bói có thông hiểu quá khứ, đoán được tương lai nhưng vẫn sợ... công an. Để đối phó, những thầy bói ở đây góp tiền thuê 2 nhà ở đầu phố báo hiệu khi thấy bóng dáng công an. Chỉ cần 3 phút là họ đã cho đồ nghề vào một xe kéo ngay phía sau. Từ thầy bói, họ thành con buôn xe thồ chỉ trong mấy phút.
(Theo Người Lao Động)