![Military vehicles carrying shore-to-ship missiles drive past the Tiananmen Gate during a military parade to mark the 70th anniversary of the end of World War Two, in Beijing](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/02/22/china-8126-1456114306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9VhCpoobw941ubTgykTimQ)
Xe quân sự chở tên lửa đi qua cổng Quảng trường Thiên An Môn trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thế chiến II kết thúc tại châu Á. Ảnh: Reuters
Lượng xuất khẩu các vũ khí lớn của Trung Quốc, loại trừ hầu hết vũ khí hạng nhẹ, tăng 88% trong giai đoạn 2011 - 2015 so với khung thời gian 5 năm trước đó, Reuters dẫn Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm hôm nay cho biết trong báo cáo về hoạt động chuyển giao vũ khí toàn cầu.
Tuy vậy, nước này vẫn chỉ chiếm 5,9% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ 2011-2015, thua xa Mỹ và Nga, hiện vẫn là hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc đồng thời giảm 25% so với giai đoạn 5 năm trước, thể hiện sự tự tin đang gia tăng với các vũ khí sản xuất nội địa dù còn một số lĩnh vực yếu kém, báo cáo viết.
"Trung Quốc cách đây 10 năm chỉ có thể bán thiết bị kỹ thuật thấp. Điều đó đã thay đổi", Siemon Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của viện, nói. "Thiết bị họ sản xuất tân tiến hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm, thu hút sự quan tâm của một số thị trường lớn hơn".
Trung Quốc đã đầu tư lớn vào việc phát triển nền công nghiệp vũ khí bản địa để hỗ trợ tham vọng biển gia tăng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Nước này cũng để mắt tới các thị trường nước ngoài cho các công nghệ chi phí tương đối thấp của mình. Ngân sách quân sự tổng cộng năm 2015 của Trung Quốc là 886,9 tỷ nhân dân tệ (141,45 tỷ USD), tăng 10% so với một năm trước.
Lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga tăng lần lượt 27% và 28%, trong khi lượng xuất khẩu vũ khí lớn của Pháp và Đức giảm trong cùng kỳ. Pháp và Đức là hai nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 và 5 thế giới.
Hầu hết lượng vũ khí bán ra của Trung Quốc phân phối tại châu Á và châu Đại Dương, trong đó Pakistan chiếm 35%, sau đó là Bangladesh và Myanmar.
Pakistan là đồng minh chính của Trung Quốc, và quan hệ quân sự mật thiết giữa hai nước thỉnh thoảng gây căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ, vốn đang tìm cách thúc đẩy nền công nghiệp vũ khí nước nhà.
Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu vũ khí, gồm máy bay vận tải cỡ lớn, trực thăng cũng như động cơ máy bay, xe và tàu biển.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, năm 2015 ký thỏa thuận mua các hệ thống phòng không và hai chục máy bay chiến đấu của Nga, nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Bắc Kinh.
Trọng Giáp