Sự kiện 4 doanh nghiệp thủy sản bị Mỹ khởi tố vì hành vi gian lận thương mại, trong đó Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) Bửu Huy bị câu lưu tại Bỉ vì có liên quan, đang khiến các giới chức trong nước lúng túng. "Không có thông tin chính thức từ phía Mỹ. Tất cả đang chờ đợi", đại diện của Bộ Thủy sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Ủy ban cá nước ngọt, Hội nghề cá An Giang... đều cho biết như vậy.
Ngày 18/5, Ủy ban cá nước ngọt sẽ họp khẩn cấp tại TP HCM để tìm hiểu tình hình và quyết định phương án giúp doanh nghiệp hầu tòa. Phía Mỹ chưa có thông báo chính thức cho phía VN về sự vụ, vì vậy công việc quan trọng nhất lúc này là phải làm việc với Bỉ, qua con đường ngoại giao, để bảo vệ quyền lợi cho ông Bửu Huy với tư cách một công dân và một cán bộ VN đang đi công tác.
Theo trang tin thuỷ sản Seafood.com, Phòng chưởng lý bang Florida, Mỹ, đã buộc tội một số doanh nghiệp và cá nhân (VN và Mỹ), trong đó có công ty Afiex của ông Bửu Huy vì hành vi gian lận thương mại và trốn thuế. Cáo trạng cho biết từ tháng 5/2002 đến tháng 4/2005, Hải quan Mỹ đã tịch thu trên 450 tấn sản phẩm cá da trơn do các cá nhân và doanh nghiệp này nhập vào dưới tên gọi cá mú, cá lóc, cá vược...
"Chưa thể kết luận bất cứ điều gì, bởi phía Mỹ chưa công bố chính thức với VN. Song cũng không thể nói doanh nghiệp gian lận thương mại để trốn thuế, bởi với tư cách một nhà xuất khẩu, họ không có trách nhiệm nộp thuế cho Mỹ. Đối tượng phải nộp thuế chính là các đơn vị nhập khẩu của Mỹ", Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hữu Dũng nói.
Cá da trơn Việt Nam có thể lại vướng vào rắc rối mới. Ảnh: V.H. |
Trao đổi với VnExpress, một đại diện khác của VASEP tỏ ra khá mệt mỏi. Có tới 3 gọng kìm đang tạo sức ép cho ngành thủy sản: vụ kiện tôm trong quá trình xem xét hành chính với nhiều thủ tục phức tạp, doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng và bây giờ là vụ kiện gian lận thương mại của 4 đơn vị.
Hồi những năm 2002-2003, xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường trọng điểm Mỹ quá khó khăn, vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật, trong đó có chuyện nhãn mác, giá cả. Cá tra, basa cùng các sản phẩm chế biến từ loại cá này không có tên thống nhất, mỗi đơn vị gọi theo một kiểu. Bộ Thuỷ sản cùng VASEP lúc đó đã phải thống nhất tên gọi và nỗ lực tìm thêm nhiều thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Hoạt động xuất khẩu cá da trơn, nhờ vậy, đang khởi sắc trở lại, thị trường đa dạng hơn, nhiều đơn hàng hơn và doanh nghiệp cũng đã chuyên nghiệp hơn.
Theo vị đại diện VASEP, những thông tin mà phía Mỹ có được để sử dụng khởi tố 4 doanh nghiệp thủy sản VN có thể là hồ sơ từ năm 2002-2003. "Với tổng sản lượng cá da trơn xuất khẩu hàng năm khoảng 150.000 tấn, thì một vài trăm tấn cá bị giữ vì vi phạm tại Mỹ không đại diện cho đa số hàng hóa VN. Hơn nữa, chuyện không thống nhất nhãn mác chỉ xảy ra trong quá khứ", đại diện VASEP nhận xét. Dù vậy, theo ông, đây là bài học lớn cho doanh nghiệp VN khi hội nhập kinh tế toàn cầu.
Luật chơi sòng phẳng
Xét về tình, doanh nghiệp VN có thể nói họ từng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với tên gọi khác vì không biết đó là điều phạm luật, chứ không phải do cố ý. Song về lý, theo Luật sư Lê Nết thuộc Văn phòng Luật sư YK VN, nếu cơ quan chức năng Mỹ chứng minh đó là cố ý thì họ có thể khép vào tội hình sự về trốn thuế, gian lận thương mại.
Tuy nhiên, giới luật sư tại TP HCM cho rằng, nếu không có chứng cứ cụ thể, Mỹ rất khó truy cứu trách nhiệm đối với các doanh nghiệp từng xuất khẩu cá da trơn dưới bao bì, nhãn mác khác, ngoài 4 công ty đã bị khởi tố. Hơn nữa, vụ việc mới dừng lại ở bước đầu tiên của quá trình tố tụng, mới có sự tham gia của phòng chưởng lý và họ chỉ đưa ra cáo trạng để buộc tội, chưa có kết luận rõ ràng của toà án.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, ông Bửu Huy có thể sẽ bị dẫn độ từ Bỉ về Mỹ để xét xử. Còn ông Huy có bị bắt giam hay không khi đến Mỹ còn tùy thuộc vào việc bảo lãnh tại ngoại. Luật sư Nết cho rằng, VN cần thuê luật sư Bỉ càng sớm càng tốt để đại diện, giúp đỡ và bào chữa cho ông Huy ngay tại Bỉ.
Đại diện Đại sứ quán VN tại Bỉ đã liên hệ và vào nơi giữ ông Bửu Huy để thăm viếng. Hiện sức khỏe ông Huy vẫn tốt. Giám đốc Afiex Phạm Văn Bảy đã gửi công văn đề nghị Bộ Ngoại giao, Lãnh sự quán VN tại Bỉ giúp đỡ, thuê luật sư để bảo vệ ông Huy.
Hội nghề cá An Giang cũng đã đề nghị UBND tỉnh đứng làm trung gian, mời VASEP cùng với các doanh nghiệp thủy sản tham dự hội chợ Brussels, tổ chức cuộc họp để nắm tình hình cụ thể, từ đó có biện pháp xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp thích hợp. "Doanh nghiệp nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm, song sự kiện này ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu của ngành thủy sản VN", Phó chủ tịch Hội nghề cá An Giang Lê Chí Bình nói.
Nguồn tin từ một doanh nghiệp dự hội chợ Brussels ngày 9-11/5, có mặt tại chỗ khi sự việc xảy ra cho hay, 4 doanh nghiệp VN là Afiex, Mekong Fish, Cafatex và Coseafex, cùng với một số công ty nước ngoài khác, đã bị Mỹ khởi tố vì hành vi gian lận thương mại. Ông Bửu Huy, được xem là người trực tiếp thực hiện giao dịch thương mại, bị cảnh sát bắt giữ ngay tại hội chợ. Theo Seafood.com, bản cáo trạng của bang Florida, Mỹ cáo buộc 4 doanh nghiệp VN đã vi phạm luật thương mại Mỹ khi sử dụng nhãn hiệu, bao bì khác để bán cá da trơn vào Mỹ và Canada, trốn thuế. Liên quan đến vụ việc này, cho đến nay, hơn 450 tấn sản phẩm cá da trơn nhập vào Mỹ dưới tên gọi cá mú, cá lóc, cá vược... đã bị hải quan nước này tịch thu. Theo luật pháp Mỹ, với các vi phạm này, ông Bửu Huy có thể bị ngồi tù 5 năm, chịu phạt tiền 250.000 USD. Các doanh nghiệp cùng đưa hàng sai nhãn mác sang Mỹ và Canada có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 USD, buộc phải đóng toàn bộ số thuế, kể cả thuế chống phá giá bị áp lên sản phẩm catfish, nhập khẩu trong khoảng thời gian từ tháng 5/2002 đến tháng 4/2005. |
Phan Anh