Đây là một trong những nhóm ngành 'lội' ngược dòng và có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết nhóm thủy sản khác xuất khẩu giảm do ảnh hưởng Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm tăng trưởng dương nhờ hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng tích cực. Dự kiến xuất khẩu tôm sang các thị trường này vẫn tăng trong những tháng tiếp theo.
Cụ thể, xuất tôm sang Mỹ, 6 tháng đầu năm nay đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nước này vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21,2%.
Trên thị trường Mỹ, 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ sự ổn định cũng như sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 (Ấn Độ và Ecuador vẫn còn chịu tác động nặng nề của dịch).
Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang nước này tháng 6 đạt 57,7 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất tôm sang Nhật Bản và EU giảm. Nhật Bản là thị trường nhập tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,3%. Tháng 6, xuất tôm sang Nhật giảm 3,7% nhưng nhờ tăng trưởng trong những tháng trước đó, nên tính chung trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 278,2 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn xuất tôm sang EU trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 200 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm Việt Nam có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo. Hiện tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó.
Hồng Châu