Thông tin được TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam nêu tại khai mạc hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam, ngày 20/3.
Theo ông Thắng, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản. Hàng năm, mặt hàng này mang về cho Việt Nam từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000 ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Diện tích nuôi cơ bản không tăng nhưng tổng sản lượng tôm lại tăng tới 5,5% so với năm 2022. Dù vậy, khó khăn từ nhiều phía khiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2022.
Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết năm nay, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết vì tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn. Ngoài ra, lạm phát tại nhiều quốc gia giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics lớn, nhất là tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ...Do đó, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất.
Nhưng điều này có lẽ sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu tôm được nhận định sẽ khởi sắc và tăng từ 10-15% so với năm rồi, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
"Đồng hành cùng người nuôi tôm" là chủ đề của Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (gọi tắt là VietShrimp 2024). Ban Tổ chức VietShrimp mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng ngồi lại tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Hội chợ Triển lãm VietShrimp 2024 diễn ra từ ngày 20-22/3 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau.
An Minh