Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD. Vasep cho rằng thị trường sẽ phục hồi dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, bằng 92% so với kế hoạch và giảm 8% so với năm 2022. Ngành này không thể về đích do dối diện nhiều bất lợi như lạm phát cao, nhu cầu thấp, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn sản xuất kinh doanh trong nước.
Với đà phục hồi kinh tế toàn cầu năm nay còn chậm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 là 9,5 tỷ USD với tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha.
Vasep dự kiến xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ còn tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Trong đó, chu kỳ giảm giá của nhiều loài thủy sản dự kiến duy trì nửa đầu năm trong khi tiêu thụ còn bị ảnh hưởng bởi sức mua cải thiện chậm, chi phí vận tải tăng do ảnh hưởng bởi các xung đột địa chính trị.
Cùng với đó, thủy sản Việt Nam đang chịu cạnh tranh không nhỏ ở một số thị trường lớn. Tôm Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. Riêng thị trường Trung Quốc dự báo phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp nên thủy sản Việt Nam cũng khó cạnh tranh. Trong nước, chi phí thức ăn tiếp tục là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra, theo Vasep.
Ngoài ra, nếu không gỡ được thẻ vàng IUU trong năm 2024 thì xuất khẩu sang EU sẽ đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Dỹ Tùng