Trong đó, cá tra giảm sâu 61% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 84 triệu USD. Tôm, cá ngừ, cua ghẹ, bạch tuộc lần lượt giảm 55%, 43% và 32%.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, xuất khẩu giảm mạnh do biến động kinh tế, chính trị trên thế giới gia tăng. Tình trạng lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng cũng như kế hoạch kinh doanh tại các thị trường lao dốc. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm nhiều nhất là 66%, Trung Quốc 54%, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU giảm 29-48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đều ngừng sản xuất từ 7-10 ngày.
VASEP đánh giá năm nay lạm phát toàn cầu được dự báo giảm, nhưng số lượng người thu nhập thấp gia tăng sẽ khiến sức mua chậm lại. Hai tháng đầu năm, sức mua trên thị trường nội địa và quốc tế vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Trung Quốc đã mở cửa nhưng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật mới nên tạo rào cản cho hàng Việt. Nguy cơ tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn cũng đang tạo áp lực đến nhà nhập khẩu các nước.
Ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, cho rằng xuất khẩu thủy sản vẫn còn khó trong quý I. "Nhiều nhà xưởng của chúng tôi không đủ nguyên liệu để chế biến cho các đơn hàng xuất khẩu", ông Giang nói.
Tương tự, tại các doanh nghiệp xuất khẩu như Vĩnh Hoàn, thủy sản An Giang, Minh Phú, sản lượng xuất khẩu cũng giảm so với cùng kỳ 2022 dù công nhân đã quay lại làm việc. Thống kê cho thấy, tháng 1, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn và IDI Corp đều giảm 57%, Vạn Đức Tiền Giang giảm 55%, NAVICO và GODACO lần lượt giảm 47% và 40%.
Theo các doanh nghiệp, người nuôi tôm đang tái đàn mạnh nên từ đầu tháng 4, nguồn cung nguyên liệu sẽ dồi dào, thị trường có thể tăng trưởng trở lại. Do đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản dự báo phục hồi từ quý II khi các thị trường chính giải quyết xong sản lượng hàng tồn kho.
Để bớt u ám, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tiếp cận thêm các thị trường ngách. Trong đó, nhiều công ty đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường nhỏ như Lào, Israel, Cameroom. Các đơn hàng xuất sang những quốc gia này trong tháng 1 đều tăng trưởng 15-21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam -VCCI cuối tháng 2, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đề nghị Nhà nước cần có các chính sách trong hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp khó khăn. Hiện, các doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định để có thể đáp ứng ngay khi thị trường phục hồi.
Ông cũng cho rằng doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu, linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu. "Ngoài ra, an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các quốc gia là điều kiện giúp hàng thủy sản Việt có lợi thế cạnh tranh lâu dài", ông Hòe nói.
Thi Hà