Số liệu vừa được hải quan công bố, cho thấy 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ 2023, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, có 8 nơi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 2,6 tỷ USD, chiếm 92% tổng xuất khẩu sầu riêng, tăng 65% so với cùng kỳ 2023. Thái Lan đứng thứ hai với 133 triệu USD, tăng 85% và Hong Kong vị trí thứ ba với 23 triệu USD, tăng 17%.
Các thị trường khác như Papua New Guinea, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Campuchia cũng tăng từ 22% đến 16 lần so với năm ngoái, trong đó Papua New Guinea và Campuchia tăng mạnh nhất, lần lượt gấp 2,6 và 16 lần.
Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, các doanh nghiệp cho biết trước hết là chất lượng sản phẩm cải thiện, giá cả cạnh tranh và thời gian vận chuyển ngắn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản lượng sầu riêng của Thái Lan giảm 18% (ảnh hưởng của hiện tượng El Niño và đợt nắng nóng kéo dài), khiến các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác chuyển sang nguồn cung từ Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết Thái Lan gặp khó khăn trong mùa vụ do thiếu nước, khiến sản lượng thấp và đẩy giá tăng khoảng 22%, trong khi thu nhập nông dân chỉ tăng nhẹ 0,3% do chi phí cao.
Tháng 8 năm nay, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Điều này mở ra cơ hội lớn giúp tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể chạm mốc 3,7 tỷ USD vào cuối năm.
Giá sầu riêng trái vụ hiện cũng tăng cao, với mức giá tại kho ngày 29/10 là 155.000 đồng một kg cho giống Monthong và 145.000 đồng cho giống Ri 6, tăng 120% so với hai tháng trước.
Thi Hà