Thông tin trên được đề cập trong báo cáo của Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản. Trung Quốc dẫn đầu về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong hai tháng qua, với 57,5% thị phần.
Từ đầu tháng 2, sau khi mở cửa, Trung Quốc ồ ạt mua nông sản Việt Nam. Trong đó, sầu riêng, mít, dưa hấu, khoai lang là những mặt hàng được xuất mạnh sang quốc gia này. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang Lào cũng tăng đột biết, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022. Tiếp đến, các thị trường Mỹ, EU cũng đã đặt hàng nhiều loại rau quả Việt Nam.
Nói với VnExpress, một doanh nghiệp ở Tiền Giang cho biết hoạt động xuất khẩu sầu riêng, bưởi của doanh nghiệp đi Mỹ, Trung Quốc tăng đều trong hai tháng đầu năm. Hiện, giá cước vận tải đường biển đã giảm về mức trước khi có dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều thuận lợi hơn.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 2 đã có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Đức và có một số hợp đồng được ký thành công. Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Khảo sát tại các vựa trồng trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy giá rầu siêng, thanh long, mít, khoai lang đều tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng tăng cao kỷ lục, có tuần lên tới 190.000 đồng một kg tại vườn.
Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đạt 289 triệu USD tăng 12% so với cùng kỳ 2022. Tính hết tháng 1, Trung Quốc, Mỹ, Australia là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc và Mỹ lần lượt giảm 13,1% và 19,5%); Australia tăng 46,2%.
Thi Hà