Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn trong nước ước đạt 10,88 tỷ USD, tăng 9,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 22,47 tỷ USD, tăng hơn16%.
10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và phương tiện vận tải.
Nhóm hàng nông lâm thủy sản quý I xuất khẩu ước đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước khoảng 3,35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thuỷ sản, lâm sản lần lượt đạt 1,61 tỷ USD và 1,47 tỷ đôla.
Bộ Công Thương đánh giá, do không được lợi về giá, giá bình quân xuất khẩu của hầu hết mặt hàng nhóm nông sản giảm, thậm chí có mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản giảm 160 triệu đôla.
Cơ quan quản lý giải thích, do thời tiết không thuận lợi, lũ lụt xảy ra ở khu vực miền Nam, rét đậm rét hại ở phía Bắc khiến một số mặt hàng nông sản như chè gạo, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn có sản lượng xuất khẩu giảm.
Mặt hàng nông sản vừa qua gặp nhiều biến cố, trong đó nổi bật là tình trạng cuối tháng 3 xuất hiện dưa hấu bị tắc ở cửa khẩu Tân Thanh. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, khâu quản lý các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch còn lỏng lẻo. Người nông dân bán dưa hấu xuất sang Trung Quốc nhưng không làm hợp đồng với đối tác dẫn đến tình trạng bị ép giá.
Bộ Công Thương cho hay, để tránh tình trạng ứ đọng nông sản, bà con cần chủ động điều tiết nguồn dưa đưa lên biên giới, đồng thời các cơ quan chức năng địa phương có sự đầu tư kho bãi để tăng cường bảo quản hàng hoá cho người nông dân.
Hoa Tranh