Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 30,86 USD, tăng 11,2% so với 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm trước. Đóng góp vào kỷ lục trên, có 10 mặt hàng cán đích trên 1 tỷ USD gồm gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản...
Chia sẻ với VnExpress, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 2014 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu nhưng hầu hết các mặt hàng đều tăng giá trị so với năm trước. "Nếu như xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế thì các mặt hàng nông sản luôn là điểm sáng của ngành", ông Hải nói.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, hơn 30 tỷ USD là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp. Đây là điều đáng mừng nhưng để lạ không ít băn khoăn cho những người làm chính sách, bởi phần lớn hàng nông sản của Việt Nam hiện vẫn xuất dưới dạng thô. “Đáng lẽ Việt Nam phải thu được ngoại tệ nhiều hơn thế nếu các sản phẩm được sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình mà thị trường yêu cầu”, Giáo sư nói.
Nhắc lại câu chuyện quả thanh long, dưa hấu mà người dân một số tỉnh ĐBSCL phải vứt bỏ ngoài ruộng thời gian trước, Giáo sư Xuân cho rằng câu chuyện nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam không còn mới nhưng ngành nông nghiệp chưa có nhiều chính sách để cải thiện.
“Thực tế không nhiều doanh nghiệp dám đầu tư mạnh vào nông nghiệp để tạo thành chuỗi liên kết từ nhà vườn đến khâu tiêu thụ. Nhưng giao thương hàng hóa chủ yếu vẫn mua đứt bán đoạn, ăn xổi ở thì, thông qua các thương lái cuối cùng nông sản xuất khẩu quanh quẩn chỉ là hàng thô”, vị chuyên gia nông nghiệp bày tỏ.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cho rằng giá trị xuất khẩu mà ngành nông nghiệp đạt được nằm trong khung dự báo từ trước, riêng ngành đã chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.
“Ngành nông nghiệp nước nhà vẫn trong giai đoạn gia công”, ông nói.
Lý do theo ông từ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, đến khâu bảo quản chế biến, tiêu thụ phần nhiều vẫn được bị chi phối bởi nước ngoài. “Do vậy, kể cả là nước xuất khẩu lớn nhất của thế giới thì tính ra xuất được 1 kg gạo cũng chẳng được bao nhiêu tiền”, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược cho hay. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể tự chủ được các khâu trong chuỗi giá trị.
Về những thách thức, Giáo sư Xuân nhận đinh, 2015 khi một thị trường rộng lớn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực được hình thành, nông sản Việt Nam đứng trước không ít khó khăn. “Nếu cứ duy trì như hiện nay thì thậm chí hàng hóa Việt Nam còn thu ngay trên sân nhà khi mà nông sản từ Thái Lan, Philippines trong đó có hoa quả tràn vào ồ ạt, thì dù giá đắt nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua vì sản phẩm của họ tươi, ngon, trồng, chế biến đúng quy trình”, giáo sư lo lắng.
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và triển khai nhiệm vụ năm 2015 vừa diễn ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, nhiều mặt hàng nông sản sức cạnh tranh còn kém, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định và thiếu bền vững. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa xây dựng được chuỗi giá trị, sản xuất không gắn với tiêu thụ. Hàng hóa vẫn bị thương lái, trung gian ép giá.
Với mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2015 sẽ đạt 33 tỷ USD, Bộ cho biết sẽ tập trung vào các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao như lúa gạo, cà phê, thủy sản. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước đây hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thiếu chủ động nên hàng hóa xuất khẩu trong đó có nông sản phụ thuộc hoàn toàn các thị trường bên ngoài. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tập trung vào một số thị trường lớn, mà bỏ quên thị trường trong nước.
"Do vậy, muốn hàng nông sản đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, trước hết chất lượng và giá cả phải đáp ứng được nhu cầu nội địa", ông Hồ cho hay.
Thành Tâm