Việt Nam đã khẳng định vị thế là quốc gia xuất khẩu gia vị thuộc top đầu thế giới, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, hạt tiêu đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt gần nửa tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2023. Ngoài tiêu, năm nay ghi nhận sự bứt phá của các loại gia vị khác như gừng, tỏi, nghệ.
Số liệu từ Hải quan cho thấy xuất khẩu nghệ đạt 3 triệu USD, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái; gừng đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 9 lần và tỏi đạt 4,7 triệu USD, tăng 3 lần.
Tương tự, ớt Việt Nam cũng được nhiều quốc gia tăng cường thu mua. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này khoảng 44,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu quế giảm hơn 4% còn 96 triệu USD, và hoa hồi giảm 15% xuống còn 27,3 triệu USD.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng xuất khẩu nhiều loại gia vị tăng vọt 5 tháng đầu năm là do nguồn cung trên thế giới giảm. Trong khi đó nhu cầu dự trữ gia vị từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng cao. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Philippines nằm trong top 5 quốc gia ưa chuộng gia vị Việt Nam.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về xuất khẩu gia vị và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Dẫu vậy, ngành này vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. 5 năm qua, sản lượng hồ tiêu đã giảm nghiêm trọng do tình trạng phá bỏ cây.
VPSA dự báo sản lượng hạt tiêu năm nay có thể giảm khoảng 10-15%, xuống còn 160.000-165.000 tấn. Sản lượng hoa hồi cũng đang gặp khó khăn với diện tích trồng manh mún và thiếu quy hoạch.
Các cây gia vị khác như ớt, gừng, nghệ cũng liên tục rơi vào tình trạng "được mùa mất giá" và thiếu kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, cây quế đã tăng diện tích từ 13.863 ha năm 2000 lên tới 186.000 ha năm 2023, biến Việt Nam thành nước có diện tích quế lớn nhất thế giới, với sản lượng vỏ quế đạt 72.000 tấn trong năm 2023. Tuy nhiên, ngành quế vẫn chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững.
VPSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng, xây dựng cơ chế phù hợp để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, Bộ cần xử lý tình trạng tồn dư hóa chất trong thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu đối với các sản phẩm như quế, ớt, gừng, nghệ.
Thi Hà