Ông Trần Hoàng Khánh, Phó giám đốc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sông Đà (Simco) cho biết, 6-7 tháng nay nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của đối tác nước ngoài đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. "Họ đang gặp khó khăn, doanh thu giảm, phải cắt giảm nhân công. Làm sao họ dám ký hợp đồng tiếp nhận lao động Việt Nam", ông Khánh lý giải.
Những hợp đồng đã ký kết thì tiến độ đưa người đi rất chậm. Theo nhiều doanh nghiệp, không thông báo chính thức, nhưng phía đối tác nước ngoài bao giờ cũng ưu tiên tuyển người bản địa. "Cơ quan nhập cư của họ tìm cách gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp visa khiến lao động Việt Nam phải chờ đợi rất lâu. Trước chỉ chờ 3-5 tháng nay thì có khi cả năm", lãnh đạo một công ty cho biết.
Lao động Việt Nam không còn hứng thứ với thị trường Malaysia như vài năm trước. Ảnh: Hồng Khánh. |
Theo phân tích của doanh nghiệp, hiện nay, hầu hết thị trường lao động của Việt Nam đều gặp khó. Malaysia, nơi tiếp nhận nhiều nhất (khoảng 30.000 lao động) thì năm nay đã không còn được ưa chuộng vì lương thấp và tâm lý e ngại rủi ro. Từ đầu năm đến nay, thị trường này tiếp nhận hơn 7.000 lao động Việt Nam.
Ông Đoàn Đại Thành, Phó giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) cho biết thêm, mới đây các nhà đầu tư vào Malaysia đã thu hẹp sản xuất và kết thúc sớm hợp đồng với lao động Việt Nam. "Vài chục lao động của công ty đi được hơn một năm đã phải về nước trước thời hạn vì ít việc làm, thu nhập thấp", ông thông tin.
Thị trường Đài Loan năm nay vươn lên đứng đầu về khả năng tiếp nhận (đã đưa trên 30.000 người), nhưng mấy tháng cuối năm lại có dấu hiệu chững lại. Lý do là nhiều doanh nghiệp sản xuất ngưng trệ, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ công xưởng. Lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Tại một số thị trường truyền thống khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhu cầu lao động không nhiều và đang có dấu hiệu tiếp nhận chậm lại do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Lao động đang làm việc tại các quốc gia này thì thu nhập cũng giảm do không có giờ làm thêm.
Các thị trường mới mở như Trung Đông đang có nguy cơ bị thu hẹp do các nước này chủ yếu sống nhờ vào dầu mỏ. Nay giá dầu thế giới giảm mạnh khiến các công trình đầu tư, nhất là ngành xây dựng vốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, buộc phải giãn tiến độ. Thêm vào đó, Qatar lại đang xem xét không cấp visa cho lao động Việt Nam do một số phát sinh trong lao động như trộm cắp, rượu chè.
Những thị trường lương cao như Australia, Đông Âu vốn đã khó xâm nhập thì nay cánh cửa đưa lao động Việt Nam sang càng trở nên hẹp. Cộng hòa Czech mới đây đã ngừng cấp visa cho lao động Việt Nam khiến hàng nghìn lao động đã nộp tiền cho các doanh nghiệp đang khóc dở mếu dở.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải hoạt động cầm cự với những đơn hàng ít ỏi, thậm chí phải chuyển qua các lĩnh vực vốn không phải sở trường. Phó giám đốc Simco Trần Hoàng Khánh cho biết công ty buộc phải ứng tiền cho lao động học nghề hàn, sau đó đưa đi xuất khẩu. Doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh du học.
Riêng Phó giám đốc Sona Đoàn Đại Thành vẫn tự tin với chiến lược không dồn quân vào một nơi mà rải ở hầu khắp thị trường có khả năng tiếp nhận và đặc biệt tìm kiếm những đối tác mạnh, uy tín từ các nước như Đức, Hy Lạp, Brazin. "Khi có biến động kinh tế thì rủi ro cũng ít hơn", ông lý giải. Doanh nghiệp này đang đưa lao động xây dựng sang Libi, Ucraina và vẫn duy trì thị trường Đài Loan.
Thẩm định kỹ đơn hàng tiếp nhận lao động xuất khẩuTrước tình hình suy thoái kinh tế lan rộng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý lao động, đặc biệt tại Đài Loan, Malaysia…, nơi bị ảnh hưởng nhiều, và các doanh nghiệp phải rà soát lại số lao động Việt Nam đang làm việc. Doanh nghiệp đưa lao động đi trong thời điểm này phải thận trọng, thẩm định kỹ đơn hàng, không đưa đi ồ ạt. Theo Cục Quản lý lao động, 11 tháng qua đã có 78.700 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan 30.000 người, Malaysia 7.000, Hàn Quốc 14.000, Nhật Bản 5.200, Ma Cao 2.800, Ả Rập Xê út 2.700 và các thị trường khác là 15.700 người. Riêng tháng 11, cả nước đưa được 6.110 người, giảm hơn nhiều so với các tháng đầu năm. Chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2008 là 85.000 người, năm 2009 là 90.000. |
Hồng Khánh