Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Đồng Nai, hiện tại ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều đã phát triển mạnh. Hàng năm, ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều cả nước đạt sản lượng khoảng 80.000 tấn, trong đó xuất khẩu 60.000 tấn, thu về 50 triệu USD.
Đồng Nai chiếm khoảng 60% tỷ trọng của ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều của cả nước. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã xuất khẩu được khoảng 40 tấn dầu vỏ hạt điều, đạt kim ngạch gần 24 triệu USD.
Theo ông Học, hiện mỗi tấn dầu vỏ hạt điều xuất khẩu trị giá 600 USD, trong khi đó, mỗi năm các cơ sở phải loại bỏ toàn bộ vỏ hạt điều sau khi chế biến nhân hạt điều để xuất khẩu, gây lãng phí rất lớn. Do vậy, việc sản xuất dầu vỏ hạt điều không những đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, mà còn giải quyết các vấn đề về lao động, ô nhiễm môi trường.
Đến nay, các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã đạt được sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm, tăng hàng chục lần so với ngày mới thành lập.
Dầu vỏ hạt điều là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, như sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ôtô... Thị trường xuất khẩu gần đây cũng mở rộng hơn, ngoài Trung Quốc còn có EU, Nhật Bản..., trong đó, Trung Quốc nhập một lượng lớn dầu vỏ hạt điều từ Việt Nam để tinh chế nhiều sản phẩm khác với giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần dầu thô, bao gồm sản xuất vật liệu kết dính chất lượng cao, các loại sơn cao cấp, vật liệu cách điện, bo mạch sản phẩm điện tử, bột ma sát trong sản xuất bố thắng...
Ông Học cho biết thêm hiện nay, trong ngành điều đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới không chỉ mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn mà còn góp phần cung cấp nguồn nguyên, phụ liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Vì ngành chế biến này có nhiều đặc thù, nên doanh nghiệp sản xuất dầu vỏ hạt điều của Đồng Nai rất cần có khu công nghiệp riêng để tập trung sản xuất.
Ông Đỗ Cao Nguyên, đại diện cơ sở dầu điều Việt Trung (Xuân Lộc) cho biết thời gian trước, ngành sản xuất hạt điều không hề tính đến giá trị của vỏ hạt điều vì đây là phế phẩm sau chế biến, thường chỉ dùng làm chất đốt. Từ khi có ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều, vỏ hạt điều trở thành nguyên liệu có giá trị. Chính vì vậy, đóng góp của ngành sản xuất mới này không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải.
Tương tự, chủ cơ sở dầu điều Nguyễn Thị Nga (Xuân Lộc) cho rằng hiện nay ngày càng nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhỏ quan tâm đầu tư sản xuất dầu vỏ hạt điều vì dây chuyền thiết bị để sản xuất 100% là hàng trong nước nên vốn đầu tư không quá nặng mà hiệu quả kinh tế khá cao.
Thêm vào đó, chi phí nhân công rẻ vì một dây chuyền sản xuất chỉ cần vài lao động. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lớn nên thương lái thường đến tận nơi thu gom hàng. Do đó, sau một thời gian, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, tăng sản lượng lên gấp 3 lần so với trước nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường.
Theo VietnamPlus