Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo nửa đầu năm nay lần lượt đạt 2,87 triệu tấn và 1,28 tỷ USD, tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu trung bình giai đoạn này ước đạt 444,6 USD một tấn, giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ nhu cầu của thị trường thế giới tăng mạnh, nhất là những nước nhập khẩu ở khu vực châu Á như Philippines, Bangladesh…
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam với thị phần 43%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ xấp xỉ 36%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường này đạt hơn 557 triệu USD. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của gạo xuất khẩu vào thị trường này ngày càng lớn. Tuy nhiên, như nhiều loại nông sản khác thì gạo Việt lại chưa gầy dựng được thương hiệu do sau khi nhập khẩu, thương nhân Trung Quốc lại đóng bao bì mới.
Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch hơn 103 triệu USD. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo sang quốc gia này tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn cuối năm do cơ quan Lương thực quốc gia Philippines vừa công bố thư mời thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng 25%, thời gian giao hàng vào cuối quý III. Việt Nam được đánh giá có khả năng trúng thầu rất cao, bởi đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan chỉ còn khoảng 160.000 tấn gạo dự trữ đủ tiêu chuẩn và giá bán cũng cao hơn,.
Trong giai đoạn nửa đầu năm nay, tình hình tại một số thị trường chủ lực khác có nhiều biến động mạnh. Điển hình như sản lượng xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Gana sụt giảm đến 31%, hoặc như Senegal dù có giá trị xuất khẩu không đáng kể nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp 114 lần về lượng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thêm hai thị trường xuất khẩu gạo mới là Iraq và Bangladesh với tổng kim ngạch hơn 53 triệu USD.
Phương Đông