Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 223.078 tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ 2018. Nguyên nhân là do nước này tồn kho cao, song song đó nhà chức trách Trung Quốc nâng cao hàng rào kỹ thuật khiến hàng xuất khẩu vào đây gặp khó. Nếu trước đây Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam thì nay tụt xuống vị trí thứ 3 (sau Philippines và Malaysia).
Năm nay, Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo 5,32 triệu tấn nhưng dự báo chỉ nhập khoảng 3,5 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2018. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm đạt 850.000 tấn, giảm 24,4% trong khi xuất khẩu cũng xấp xỉ lượng nhập, với 829.900 tấn, tăng 112,4% so với cùng kỳ 2018.
Cùng với Trung Quốc, gạo sang Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm. Theo đó, 3 thị trường trên chỉ nhập của Việt Nam 239.000 tấn gạo, giảm hơn 83% so với cùng kỳ 2018 (1,44 triệu tấn).
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế nhưng kết quả 5 tháng đầu năm xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3%. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khó khăn.
Báo cáo của Bộ Công thương chỉ ra rằng, doanh nghiệp vẫn chưa có hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường. Đây cũng là một áp lực cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, địa phương còn chưa đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào thị trường ban đầu.
Theo dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ 2018/2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 6,5 triệu tấn. Tuy nhiên, với đà giảm này tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Thi Hà