Theo số liệu của cơ quan hải quan, tính đến cuối năm ngoái dừa tươi xuất khẩu đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ.
Tính chung các sản phẩm từ dừa, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2023. Đây là lần đầu sau 14 năm, trái dừa đem lại kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn một năm. Một phần ba diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu.
Với hơn 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, ngành dừa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới.

Dừa được các cơ sở ở Bến Tre thu mua. Ảnh: Đăng Khoa
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 25% giá trị xuất khẩu dừa của Việt Nam. Việc hai nước ký Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch vào tháng 8/2024, mở ra cơ hội lớn cho loại trái này. Việt Nam hiện là nhà cung cấp dừa lớn thứ ba cho Trung Quốc, với hơn 20% thị phần tại nước này.
Ngoài Trung Quốc, nhờ lợi thế về giá và hương vị ngọt thanh, trái dừa Việt được ưa chuộng ở nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ngành chế biến loại quả này đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu. Nhiều nhà máy tại Bến Tre được đầu tư, nguồn cung dừa vẫn không đủ. Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, giá dừa từng xuống thấp kỷ lục 1.000 đồng một quả, khiến nông dân e ngại mở rộng diện tích, doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết nhiều đơn hàng dừa tươi không thể xuất khẩu đúng hạn do thiếu mã đóng gói, vùng nguyên liệu không ổn định từ quý III và IV/2024 đến nay. Giá nguyên liệu leo thang khi Thái Lan, Ấn Độ và Trung Đông tăng nhập khẩu, các nhà máy trong nước khó cạnh tranh thu mua. Bên cạnh đó, các nhà máy sơ chế của Trung Quốc mở rộng hoạt động, đẩy giá dừa lên cao. Nông dân hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn.
Ông đề nghị nhà chức trách trao đổi với phía Trung Quốc để họ cấp thêm mã vùng trồng cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách thuế hợp lý để ngành dừa có thêm sức cạnh tranh.
Cũng lo ngại nguyên liệu giảm "chất và lượng", ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty Dừa Phương Nam kêu gọi doanh nghiệp hợp tác xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ để đảm bảo ngành dừa phát triển lâu dài.
Thi Hà