Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo giá xuất khẩu mặt hàng điều từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, doanh nghiệp không nên ký hợp đồng giao thời hạn quá xa để giảm thiểu những thiệt hại do chênh lệch giá.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, dù 7 tháng đầu năm không phải là thời điểm tiêu thụ mạnh mặt hàng điều nhưng mỗi tháng Việt Nam vẫn xuất khẩu được 21.000 - 22.000 tấn. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh có trồng điều cho biết, 6 tháng đầu năm nay, diện tích cây điều cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn hơn 315.249ha. Năng suất điều cũng giảm còn 8,4 tạ/ha so với mức 9,1 tạ/ha năm 2011.
“Nguyên nhân sụt giảm năng suất, sản lượng điều là do năm nay khí hậu biến đổi thất thường, đặc biệt cơn bão số 1 khiến 60 - 70% hoa điều không đậu trái, nhiều diện tích điều bị gãy đổ, chất lượng hạt cũng rất thấp”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas nhận định.
Trong khi đó, theo ông Chiểu, từ đầu tháng 8 nhu cầu nhập khẩu mặt hàng điều bắt đầu tăng khi các nước như Ấn Độ, Trung Quốc chuẩn bị vào mùa lễ hội. Giá điều vì thế cũng đang “ấm” dần lên. Hiện tại, giá điều xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 15 cent/kg, tại Australia tăng 10 - 20 cent/kg tùy loại, đạt mức 7,65-7,7 USD/kg.
Dự báo, nhu cầu chế biến điều của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm khoảng 420.000 tấn. Tuy nhiên, lượng điều tồn kho của Việt Nam hiện còn rất ít, khoảng 120.000 tấn. Cùng với 100.000 tấn điều thô nhập khẩu đang trên đường về nước, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm 200.000 tấn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
“Các nước trồng điều trên thế giới năm nay đều mất mùa. Khả năng từ nay đến cuối năm, có thể các doanh nghiệp chỉ nhập được khoảng 100.000 tấn điều thô, do đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu”, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Vinacas cho biết, trong nửa đầu năm 2012, số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu điều tăng lên đáng kể, gần 50 doanh nghiệp. Do đó, để cạnh tranh thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tốt yêu cầu chất lượng sản phẩm, bị ép giá, quỵt tiền hàng…
Theo báo cáo của Sở Công thương Bình Phước, tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2012, hơn 70% số doanh nghiệp chế biến điều tại Bình Phước gặp khó khăn về tài chính do hoạt động kém hiệu quả. Phần còn lại cũng hoạt động cầm chừng và đi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều lò chẻ điều tư nhân cũng đã ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn…
“Riêng việc các doanh nghiệp giao hàng mà khách hàng bội ước hoặc viện các lý do như chất lượng sản phẩm không đạt, chênh lệch giá quá lớn… để không chịu nhận cũng khiến hàng chục doanh nghiệp lao đao”- giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều tại Bình Phước cho biết.
Ông Lê Chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Hợp Long cho biết, công ty ông cũng vừa “mắc kẹt” 3/8 container hàng tại cảng Rotterdam (Hà Lan) do nhà nhập khẩu không chịu nhận hàng. “Nhiều công ty còn mắc kẹt 9 – 10 container hàng tại các cảng quốc tế, chỉ cần giam hàng vài tháng là doanh nghiệp coi như mất trắng lô hàng đó” - ông Hùng phân tích.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại, do giá điều đang tăng nên tình trạng xù hợp đồng có phần hạn chế. Tuy nhiên, nếu giá điều quay đầu giảm, việc nhà nhập khẩu từ chối nhận hàng hoặc ép doanh nghiệp phải giảm giá là chuyện xảy ra thường xuyên. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần linh động lấy hàng ra, tìm khách hàng khác để bán lô hàng.
Còn theo ông Thanh, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2012, các doanh nghiệp điều nên hạn chế thỏa thuận giao hàng xa, đồng thời chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm tránh các rủi ro do chênh lệch giá.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2012, cả nước xuất khẩu hơn 104.700 tấn điều nhân các loại, đạt kim ngạch hơn 713 triệu USD, tăng 18% về số lượng và tăng hơn 25% về giá trị so với cùng kỳ 2011. |
Trung Quốc khắt khe với hạt điều Việt Nam
(Dân Việt)