Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy, tính riêng nửa đầu tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7 và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.
Số lượng đơn hàng trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở những mặt hàng thịt cá ngừ đông lạnh, cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ ngâm dầu... Chúng được miễn thuế hoàn toàn hoặc miễn thuế theo hạn ngạch ngay khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản - VASEP, với sự tăng trưởng mạnh tại các thị trường trong hai tháng gần đây, có thể thấy việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, trong tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định đã xảy ra một số trục trặc về thủ tục xuất khẩu. Một số lô hàng cá ngừ của Việt Nam xuất sang các nước EU bị hải quan nước sở tại thông báo một số C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu EUR.1 của Việt Nam có màu xanh lam thay vì màu xanh lá cây nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của Hiệp định EVFTA. Do đó, các C/O này không được hải quan tại đây chấp nhận.
Điều này khiến các lô hàng xuất khẩu không hoàn tất được thủ tục, ảnh hưởng đến ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường EU và tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước sự việc trên, Bộ Công Thương đã trao đổi với đầu mối phía EU để gỡ vướng. Ngày 31/8/2020, phía EU đã có ý kiến phản hồi. Theo đó, họ chấp nhận các C/O màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU. Đồng thời, cơ quan đại diện phía EU đã gửi thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại cấp cho doanh nghiệp Việt Nam không bị từ chối, ảnh hưởng ưu đãi thuế quan.
Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp có thể yên tâm trong việc đẩy mạnh xuất cá ngừ sang EU. Và dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới. Hiện EU là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ.
Hồng Châu