Do không cảm thấy đau nên bệnh nhân vẫn đi nhậu, khi về nhà anh than với người thân bị đau đầu và đi ngủ. Đến bữa tối, gia đình gọi bệnh nhân dậy thì không có phản hồi nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cấp cứu, hôm 11/6.
Ngày 20/6, bác sĩ Hồ Hoài Hưng, Phó khoa Ngoại thần kinh, cho biết lúc nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu, đồng tử mắt giãn lớn, gần như không còn phản xạ. Với dấu hiệu nạn nhân đột ngột hôn mê, ê kíp cấp cứu nghi ngờ bị đột quỵ nên đưa đi chụp CT scan. Hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị nứt hộp sọ, có khối máu tụ ngoài màng cứng đỉnh phải, chèn ép nhu mô não, gây thoát vị não.
Nhận định đây là một dạng xuất huyết não nặng, nguy kịch tính mạng, các bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, đồng thời phẫu thuật khẩn cấp, mở hộp sọ cầm máu và lấy máu tụ.
"Nếu chậm can thiệp thêm vài phút, bệnh nhân có nguy cơ tử vong", bác sĩ Hưng nói.
Một ngày sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, được cai máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện, anh có thể tự đi lại, ăn uống bình thường và vừa được xuất viện.
Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến xuất huyết não, như bệnh lý tim mạch, huyết áp hoặc dị dạng mạch máu não. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não ở người đàn ông này là chấn thương do va chạm mạnh với nước.
Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân này khá đặc biệt vì không có vết thương bên ngoài da đầu. Mạch máu bị đứt nhỏ nên xuất huyết não không ồ ạt, vì thế người bệnh không cảm thấy đau đầu và hôn mê ngay.
"Nếu không được người nhà phát hiện kịp thời, người bệnh có thể sẽ tử vong trong giấc ngủ, hoặc có thể dẫn tới động kinh (co giật). Tình trạng co giật rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu tại cơ sở y tế. Bệnh nhân có thể cắn lưỡi, sùi bọt mép, sau co giật thường có di chứng tổn thương não", ông Hưng cho biết.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo tất cả bệnh nhân gặp chấn thương đầu, có triệu chứng đau đầu, nôn, ngủ li bì, sốt cao, hoặc đột ngột hôn mê hay co giật cần đến bệnh viện ngay. Việc can thiệp sớm giúp bệnh nhân giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng.
Thư Anh