Trên một website tự nhận là trang thương mại điện tử có trụ sở tại Đà Nẵng, hàng loạt sản phẩm được rao bán từ đồ điện tử, gia dụng, đến ôtô, xe máy, bất động sản. Bên cạnh số tiền VND, USD, trang này còn quy đổi giá sản phẩm sang Pi và khẳng định người dùng có thể thanh toán bằng tiền ảo này. Ví dụ, một chiếc TV được niêm yết với giá 10 triệu đồng, 450 USD hoặc 52 đồng Pi.
Trên fanpage, đơn vị nói trên khẳng định họ "tiên phong trong giao dịch online kỷ nguyên công nghệ 4.0, giúp người dùng dễ dàng trao đổi đồng thuận hàng hóa thông qua tiền kỹ thuật số PiCoin".
Một website khác được thiết kế với tính năng mua bán dùng đơn vị quy đổi là đồng Pi. Trên đó, một số mặt hàng như iPhone 11 Pro Max được rao giá 25 Pi, một chiếc ôtô hạng sang giá 7.000 Pi. Ngoài ra, còn có một số trang được thiết kế giao diện như một sàn trao đổi mua bán tiền ảo, trong đó giá mỗi Pi khoảng 0,5 USD.
Thực tế, người dùng không thể trao đổi hàng hoá bằng Pi hay mua bán đồng Pi trên những site này. Khi đến khâu hoàn thành đơn hàng, đồng Pi không còn xuất hiện trong danh sách phương thức thanh toán. Một số trang giải thích rằng hệ thống mới trong giai đoạn thử nghiệm và người dùng sẽ có thể trao đổi hàng hoá bằng Pi khi tiền ảo này vào giai đoạn khởi chạy chính thức (mainnet).
Ngoài các trang tại Việt Nam kể trên, cộng đồng Pi cũng đang chia sẻ một trang web do chính Pi Network giới thiệu. Tại đây, người dùng có thể nạp Pi của mình vào ví và tiến hành giao dịch, nhưng cũng chỉ ở dạng thử nghiệm và không thể mua bán hàng hoá như các trang thương mại điện tử thực sự.
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, các trang trên có nhiều dấu hiệu của website lừa đảo. Mang danh trang thương mại điện tử, nhưng đứng tên website là một cá nhân, đồng thời cũng chỉ có tính năng hiển thị thông tin chứ không thể thực hiện giao dịch. Ngoài ra, website không đăng ký hoạt động kinh doanh trên hệ thống của Bộ Công thương. "Việc lập ra những trang này có thể chỉ nhằm dụ người khác vào mạng lưới Pi, không mang lại bất cứ giá trị gì", ông Hiếu nhận định.
Một chuyên gia về tiền số cũng cho biết, thực tế website trên được giới "đào" Pi tại Việt Nam sử dụng để lôi kéo thêm nhiều người. Họ quay, chụp màn hình các trang, sau đó đưa lên hội nhóm với lời khẳng định sắp tới "có thể mua bán bằng Pi", hay "mỗi Pi sẽ có giá hàng trăm USD", kèm mã giới thiệu để rủ người khác cùng "đào" Pi.
Đầu năm nay, một số cửa hàng, quán ăn tại Việt Nam cũng từng sử dụng chiêu "thanh toán bằng Pi" để hút khách và thành viên tham gia mạng lưới. Nhưng sau đó, họ lấy lý do Pi Network chưa đi vào giai đoạn chính thức nên chưa thể thanh toán.
Ngay cả khi Pi Network vào giai đoạn chính thức, việc thanh toán hàng hoá bằng Pi là hoạt động trái phép tại Việt Nam. Tại Hội nghị Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số do Bộ Công an tổ chức tuần này, các cơ quan chức năng khẳng định việc sử dụng tiền ảo để thanh toán là vi phạm pháp luật.
"Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm", ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, nói.
Ông Phong cho biết việc sử dụng tiền ảo với vai trò của tiền tệ hay phương tiện thanh toán là không có giá trị pháp lý và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Việt Nam là một trong những thị trường có số lượng người "đào" tiền ảo Pi lớn nhất thế giới, dù dự án này còn gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng Pi Network giúp người dùng có thể kiếm tiền điện tử miễn phí bằng việc vào điểm danh mỗi ngày trên ứng dụng điện thoại.
Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại dự án không mang lại giá trị, khiến người dùng tốn công sức và có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, Pi thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain khi không công khai mã nguồn, không có lộ trình phát triển, còn ứng dụng smartphone yêu cầu nhiều quyền truy cập danh bạ của người dùng.
Lưu Quý