Minh Đức cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20 km về phía Bắc. Theo thống kê chưa đầy đủ, liên tục hơn 5 năm trở lại đây, thị trấn này đã có tới 67 người ra đi vì căn bệnh ung thư.
Bác sỹ Vũ Thị Thành, Trưởng Trạm y tế thị trấn, cho biết, phần lớn số bệnh nhân chết vì ung thư mắc các bệnh ung thư dạ dày, gan, vòm họng, phổi; hầu hết đều tử vong ở độ tuổi còn sức lao động, trong đó nam giới chiếm 66%.
Lúc này, ở Minh Đức vẫn còn không dưới 5 người đang bị bệnh ung thư. Một trong số họ là ông Bùi Văn Chung, 50 tuổi, sống ở khu Quyết Tâm, đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Vợ ông, bà Đàm Thị Lợi, 48 tuổi, đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo này cách đây 9 tháng. Cách đó không xa, gia đình bà Tự cũng đã có hai người con chết vì ung thư chỉ trong vòng một năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh ung thư phát triển ở Minh Đức là do ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Tại đây hiện có hơn 10 công ty, xí nghiệp lớn hoạt động liên tục với cường độ cao như Xi măng Chinphon, Xi măng Hải Phòng, Đóng tàu Phà Rừng, Cổ phần hóa chất đất đèn Tràng Kênh, Đá phụ gia và xây dựng Minh Đức, Nhiệt điện Hải Phòng... Để cung cấp mỗi năm hơn 1 triệu m3 đá vôi cho nhu cầu sản xuất xi măng và xây dựng, người ta phải nổ mìn phá đá từ những ngọn núi cao quanh khu vực, rồi xay nghiền chế biến thành những viên đá nhỏ.
Công trường trải rộng hàng chục km2 và ở trên cao, nên một lượng bụi đá khổng lồ liên tục phát tán vào môi trường và người dân sống trong thị trấn này phải hứng trọn. Công ty cổ phần hóa chất, đất đèn Tràng Kênh và Công ty cổ phần hóa chất, xây dựng Minh Đức đang sản xuất các loại sản phẩm bột nhẹ từ nguyên liệu đá vôi với thiết bị và công nghệ lạc hậu. Hàng chục nghìn tấn sản phẩm sản xuất hằng năm của các công ty này đã gây ô nhiễm nặng môi trường cũng như nguồn nước xung quanh.
Hằng ngày, cả trăm chiếc xe trọng tải lớn chở nguyên vật liệu nối đuôi nhau cày xới đến nát cả con đường dân sinh độc đạo, khiến môi trường nơi đây đã bị ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm. Những ngày nắng nóng, từng "cột bụi" đặc quánh màu xám bạc theo gió ùa vào từng căn nhà. Hàng nghìn học sinh từ nhà trẻ, mẫu giáo trở đi hằng ngày vẫn đến trường cùng với bụi. Ngay cả trạm y tế cũng nằm trong vùng bụi.
Ông Bùi Văn Thành, 50 tuổi, thôn Hoàng Tôn, có nhà nằm ngay bên con đường độc đạo kể trên, cho biết, mỗi năm ông vệ sinh bể nước mưa 2 lần và mỗi lần như thế phải "thu" được một lớp cặn bùn dày đến 10 cm dưới đáy bể. Mỗi ngày gia đình ông phải lau nhà, đồ gia dụng rất nhiều lần. Cây cối, mặt bể, sân nhà thường xuyên phủ bụi. Bố ông Thành cũng đã qua đời vì bệnh ung thư dạ dày cách đây chưa lâu.
Năm 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã khảo sát, kiểm tra thực địa tại một số cơ sở công nghiệp trọng điểm tại Minh Đức, kết quả cho thấy nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 12,4 lần. Để khắc phục, mỗi ngày chính quyền địa phương huy động khoảng 30 xe chở nước rửa các đoạn đường nhiều xe cộ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn, công việc này đã bị dừng lại do thiếu tiền.
(Theo Tiền Phong, TTXVN)