Theo ông Quang Anh, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại trong đàn, khoảng 2.300 con. Đồng thời, tiến hành khử trùng tiêu độc các đàn gia cầm khác xung quanh nơi phát dịch bán kính 1 km. Vụ gia cầm chết tại thị trấn Tứ Kỳ xảy ra vào ngày 20/8.
Tại khu vực miền Trung, virus H5N1 cũng đã xuất hiện tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đàn gà hơn 100 con của một hộ dân tại đây đã bị chết đồng loạt. Xét nghiệm cho thấy nguyên nhân là do nhiễm virus H5N1. Theo ông Quang Anh, số gà trên là do cán bộ Khuyến nông huyện Hải Lăng cung ứng, mua từ tỉnh ngoài về, không khai báo để thú y theo dõi.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về lý do chậm công bố hai điểm phát dịch mới, ông Quang Anh cho biết, gia cầm chết vào ngày 20/8 nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân. Đến thời điểm này, khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, ngành Thú y mới công bố kết quả. "Một số địa phương khác cũng có hiện tượng gia cầm chết nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy gia cầm chết không phải do virus cúm", ông Quang Anh nói.
Theo người đứng đầu ngành thú y, virus H5N1 vẫn đang tồn tại trong môi trường chăn nuôi, nguy cơ tái dịch rất cao. Thế nhưng, một số địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá vẫn thả lỏng khâu vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn được đưa vào lưu thông. Vừa qua, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 11 tỉnh phía Nam, hơn 50.000 gà, vịt, chim cút bị tiêu hủy.
Xung quanh nguy cơ lây nhiễm H5N1 trên lợn, ông Quang Anh cho biết, Viện Thú y đã tiến hành lấy mẫu huyết thanh của 188 con lợn gửi xét nghiệm ở nước ngoài. Kết quả không thấy virus H5N1. Trong đợt kiểm tra tại các tỉnh thành vừa qua, đoàn công tác cũng lấy thêm một số mẫu huyết thanh trên lợn. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo trong một số ngày tới.
Việt Anh