Thủy Triều
Sách do Nguyễn Hữu Mùi dịch, chú giải, Chương Thâu viết lời đề dẫn.
Sách địa dư, địa chí xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, theo Đại Việt sử ký toàn thư là từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Từ đó về sau các triều đại đều cho biên soạn sách địa lý với phương pháp thường là lấy thủy thổ, khí hậu, đường sá, phong tục, sản vật... làm đối tượng miêu tả.
Tuy nhiên, cuốn Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng (hoàn thành vào năm Kiến Phúc thứ nhất - 1883) lại viết theo cách khác. Điều này có lẽ xuất phát từ ý đồ của ông là muốn soạn sách lịch sử nhưng bằng cách sử dụng các sự kiện, các hiện tượng địa lý ở địa phương để phản ánh quá trình biến thiên của đất nước qua các thời kỳ.
![]() |
Trang bìa cuốn sách. |
Để thực hiện ý đồ này, trước hết ông dựa vào nguồn tài liệu Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Việt sử ký. Phương pháp biên soạn của ông là trích dẫn hoặc tóm tắt sự kiện trong các bộ sử theo trật tự thời gian liên quan đến địa danh dưới dạng một đoạn văn hoặc một câu văn rồi chú giải những địa danh đó thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Cách làm này, các sách địa chí xưa nay cũng không hề vận dụng.
Nguyễn Hữu Mùi, người dịch và chú giải cuốn sách nhận định: “Sự ra đời của Việt sử địa dư mang ý nghĩa lớn lao, khẳng định đất nước Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ưu điểm nổi trội của Việt sử địa dư chính là việc chú giải về sự thay đổi của 631 địa danh trên toàn quốc, tính từ thời điểm dựng nước đến những năm cuối thế kỷ XVIII. Đọc tác phẩm này không những giúp độc giả hình dung một cách khá toàn diện về địa danh nước ta mà còn giúp giới nghiên cứu có tư liệu để tra dùng trong các công trình nghiên cứu”.
Còn Chương Thâu nhấn mạnh: “Việt sử địa dư có sự đóng góp nhất định, đấy là sự đóng góp về thể loại - nếu nhìn theo góc độ chuyên môn; và sự đóng góp về tri thức - nếu nhìn theo nội dung lịch sử. Cuốn sách Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng đã là một hiện tượng có thể xem là sáng giá, rất đáng trân trọng”.