Bố tự cho mình cái quyền áp đặt mọi việc trong nhà. Từ việc chị gái thi trường nào cho đến tôi và em trai theo học khối gì cũng đều do bố quyết định. Bữa cơm nào bố cũng nêu gương anh nọ, chị kia học giỏi rồi muốn chúng tôi noi theo. Hầu như lần nào bố khen con nhà người ta xong lại quay ra chê con mình dốt nát, kém cỏi. Nhiều bữa cơm tôi rơi nước mắt vì tủi thân và không thể nuốt được.
Bố luôn muốn chị em tôi đứng đầu lớp, đầu trường. Nếu để bố thấy điểm kém thì sẽ bị ăn đòn ngay. Thế nên ngày bé hầu như chị em tôi ngồi vào bàn học không phải vì say mê mà vì sợ không thuộc bài, sợ bị bố “soi”.
Học kỳ nào đi họp phụ huynh về nếu con cái được thầy cô khen thì bố tỏ ra mừng lắm. Nhưng nếu khen đứa khác là về bố mắng mỏ chúng tôi không tiếc lời. Bố kỳ vọng quá cao vào con cái. Lúc nào bố cũng bảo: “Ngày xưa bọn tao đói ăn đói mặc rách mà học vẫn giỏi, đâu như chúng mày bây giờ, muốn gì được nấy mà vẫn dốt như bò”. Lúc nào bố cũng chỉ biết đòi hỏi các con của bố phải giỏi giang hơn hẳn con nhà khác. Bố chỉ thích những thành tích chúng tôi đem về. Những khi bị điểm kém, tôi giấu biệt vì sợ bị đánh đòn. Có lần tôi còn tự tay sửa điểm 3 thành điểm 8 trong tờ giấy kiểm tra để đem về cho bố dù cảm thấy rất xấu hổ vì sự gian dối ấy.
Rồi tôi đỗ đại học, đi học xa nhà chỉ chừng 150km, mỗi năm chỉ về vào dịp hè và Tết. Mỗi lần gọi điện về nhà, tôi chỉ muốn mẹ bắt máy. Có khi tôi nói chuyện với mẹ cả nửa tiếng mà chẳng hỏi về bố một lời. Mẹ nhắc khéo: “Con nói với bố mấy câu nha, bố đang đứng bên”. Tôi “ứ” lên một tiếng khe khẽ. Chả mấy khi tôi dành những lời thân thương để nói và nghĩ về bố. Tình cảm tôi dành cho bố vốn đã không nhiều lại càng ít đi.
Nghỉ hè tôi cứ nán lại thành phố để làm thêm. Bởi tôi ghét khi phải về nhà đối mặt với bố. Mỗi dịp về quê ít ỏi tôi chỉ quấn quýt bên mẹ. Chả bao giờ tôi chịu ngồi trò chuyện với bố. Tôi cũng không hỏi bố có khỏe không? Thú thực tôi sợ phải đối mặt với bố lắm. Tôi lảng tránh những câu hỏi về tình hình học tập của bố dành cho mình. Những khi ấy, bố chỉ thở dài. Tôi ngạo mạn cho rằng mình đã lớn khôn, đã “đủ lông đủ cánh” nên không còn phụ thuộc bố nữa, không bị bố xét nét, ép buộc như trước. Và tôi nghĩ mình đã là người chiến thắng.
Thi thoảng qua các cuộc điện thoại, mẹ bóng gió nhắc khéo tôi về việc bố nóng tính nhưng rất thương con cái. Rồi mẹ kể cứ thi thoảng trái gió trở trời là vết thương trên đầu bố lại nhói đau. Tôi đã quên rằng bố là một thương binh.
Tết sắp đến rồi, tôi giật mình nhận ra bấy lâu nay mình đã quá vô tâm, vô cảm. Tôi đâu biết rằng để lo cho 3 chị em “mài đũng quần” trên giảng đường đại học, mẹ tần tảo với hơn mẫu ruộng, bố phải đi buôn măng, đi đổi muối, tằn tiện từng đồng để gửi lên.
Viết những lời này trong dòng nước mắt rưng rưng, tôi nhận ra mình đã sai quá nhiều chỉ vì hiếu thắng. Nhất định Tết này tôi sẽ gần bố hơn, tôi sẽ nói với bố rằng: “Con yêu bố”.
Trọng Thức
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |