Tôi đã xa nhà hai năm nay. Khoảng thời gian ấy tôi đã đón Tết tại nhà chồng với biết bao cảm xúc, một chút tủi hờn, cô đơn, một nỗi buồn da diết... Bởi tôi luôn có cảm giác như vừa bị mất đi cái quyền của một đứa con ở bên bố mẹ ngày Tết. Chính điều này đã làm tôi càng thêm đau đáu nỗi nhớ nhà.
Từ đây, Tết trong tôi là sự mong đợi, ước ao làm một đứa trẻ trong lòng bố mẹ. Người ta vẫn ví von rằng "Vui như Tết", vì chỉ có Tết ngày xưa mới được diện áo mới, đốt pháo hoa và được nhận tiền mừng tuổi. Tết với đám trẻ con chúng tôi là tạm hoãn lại học hành và để gặp hết họ hàng hai bên.
Ở quê tôi, từ những ngày 23 Tết, người ta bắt đầu bày cây cảnh, pháo, bánh kẹo, quần áo... cùng nhiều dịch vụ tự phát trong những ngày này. Tôi thích ngắm cảnh đường phố náo nhiệt, ấm cúng và rất Tết. Tôi cũng chọn cho mình một mô hình kinh doanh bé nhỏ bằng cách bán bóng bay. Năm nào bố tôi cũng mua bóng bay cho tôi bán, nhưng chắc vì bố thấy tôi vui thôi, chứ tôi chưa bao giờ được đồng lãi nào...
Tôi thích thú lắm vì tự coi mình là "một tiểu thương" góp phần vào không khí ngày Tết quê nhà. Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, mặc dù khu phố tôi ở mọi người mua bánh gói sẵn nhiều lắm. Bánh năm nào cũng thừa, nhưng bố tôi bảo gói cho chúng tôi nhớ đến Tết. Bố tôi gói rất khéo, không bao giờ dùng khuôn nhưng bánh rất vuông vắn và đều. Năm nào tôi cũng chỉ phụ bóc hành và ngồi nhìn thôi. Những hạnh phúc nhỏ bé đó giờ thành tiếc nuối trong tôi. Giá tôi biết gói bánh cho bố.
Đến bây giờ, khi bố đã bước sang cái tuổi 60, nhưng tôi vẫn chưa một lần gói bánh phụ bố. Khi tôi lấy chồng, Tết chỉ còn là tất bật, lo chuẩn bị và thu sếp thời gian về quê. Tôi hạnh phúc vì được làm dâu của bố mẹ, những người nhân hậu, tình cảm, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn tôi là nỗi nhớ nhà và ước ao được sum vầy với gia đình.
Trong tôi, Tết là những kỷ niệm đẹp và ấm áp nhất. Xa nhà, tôi nhớ đến bố mẹ bằng ước muốn được trở về xum vầy những ngày Tết đến xuân sang. Chiều 30 tết, tôi cùng bố mẹ đi tảo mộ. Trời lạnh, mưa xuân lây phây và mùi hương khói quện vào nhau làm khóe mắt cay cay. Buổi tối ai cũng tất tả chuẩn bị cúng giao thừa và dọn dẹp lại nhà cửa. Lác đác vài tiếng pháo nổ sớm làm lòng người càng thêm rạo rực. Tối 30 nào tôi cũng cùng anh trai đi hết chùa này đến chùa khác. Đêm 30 ở quê tôi là đêm không tắt điện và đường phố vẫn nhộn nhịp như ban ngày... Tôi và anh trai trở về với cành lộc thật to trên tay và lời chúc năm mới vụng về tới bố mẹ.
Mùng 1 thức dậy sớm luôn là khó khăn với anh em tôi, năm nào mẹ cũng lên tận giường gọi 2-3 lần. Cả nhà tôi cùng đi chúc Tết họ hàng và với tôi, việc này không thú vị bằng mấy đứa trẻ con tụ tập xem những bộ phim đặc biệt ngày Tết.
Mùng 2 rồi mồng 3, với tôi vẫn không đủ. Tôi thường thỏa thuận với bố mẹ rằng mùng 5 mới hết Tết chứ không phải mùng 3. Tết trong lòng ấu thơ đơn sơ và thiêng liêng thế đấy.
Khi tôi lớn lên, đi học đại học, Tết về nhà là dịp tôi đỡ đần bố mẹ, dịp được thỏa sức ăn uống ngủ nghỉ theo ý muốn sau những tháng ngày đi học gò bó.
Từ rất lâu, năm nào tôi cũng nhận cắm hoa, lọ hoa tôi cắm từ vụng về rồi ngày càng tinh tế và đẹp mắt và tôi cũng lớn dần lên theo đó... Tôi xa bố mẹ...
Khi tôi lấy chồng, Tết chỉ còn là tất bật, lo chuẩn bị và thu sếp thời gian về quê. Tôi hạnh phúc vì được làm dâu của bố mẹ, những người nhân hậu, tình cảm, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn tôi là một nỗi nhớ nhà, nỗi ước ao được sum vầy với bố mẹ - người đang âm thầm mong ngóng tôi trở về...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Phương Anh