Trên kênh podcast cá nhân tối 21/2, tiền vệ 29 tuổi tiết lộ, trong lúc tập luyện, nếu vô tình thực hiện một động tác nào đó khiến cơ thể bị hẫng đột ngột, anh dễ rơi vào trạng thái đánh trống ngực và nhịp tim tăng nhanh gấp đôi. Đây là hiện tượng cơ nhịp nhanh trên thất, một loại triệu chứng của rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường diễn ra với Xuân Trường trên sân tập Hàm Rồng thời còn ở Học viện HAGL, và nếu cứ cố tập, không biết điều gì sẽ xảy ra. "Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy nguy hiểm thật sự", anh nói. "Tôi đã bí mật kể với HLV Guillaume Graechen và được sắp xếp ra Hà Nội chữa trị. Tuy nhiên, sau hai ngày, làm đủ các bài kiểm tra nhưng tôi không có cách nào để cơ thể rơi vào trạng thái đó được nên tôi trở về học viện sinh hoạt bình thường".
Sau khi Xuân Trường về lại Hàm Rồng, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra. Mỗi lần bị triệu chứng như thế, anh phải nằm ngửa, hít thở sâu và đều. Khi đó, nhịp tim từ 180 nhịp/phút sẽ giảm dần rồi trở lại bình thường. Nhưng cơ thể sau đó rất mệt, khiến anh chỉ muốn nghỉ, dù vẫn cố gắng để hoàn thành buổi tập.
"Với một VĐV, vấn đề liên quan đến tim mạch rất nhạy cảm và thường sẽ được chỉ định dừng các hoạt động thể thao. Tôi rất sợ vì nếu biết, các thầy sẽ không cho tôi chơi bóng nữa, và tôi sẽ bị loại khỏi học viện. Do đó, tôi quyết định giấu bệnh", Xuân Trường kể. "Để chống chọi với loại bệnh này, mỗi lần như thế, tôi thường xin đi vệ sinh rồi vào nằm trong sàn nhà để mong nhịp tim giảm, nhưng cũng có lúc nhịp tim không giảm và tôi vẫn cố đến hết buổi tập".
Sau khi được đôn lên thi đấu từ V-League 2015, Xuân Trường được HAGL đưa sang Hàn Quốc khoác áo Incheon United theo diện cho mượn. Tại đây, bệnh tình của tiền vệ người Tuyên Quang vẫn không thuyên giảm nhưng anh ngại xin nghỉ giữa các buổi tập. "Một hôm, tôi thấy bệnh của mình nặng lên rất nhiều, vì nó diễn ra ba tiếng liên tục trong ngày hôm trước và nhịp tim vẫn đập khác thường. Hôm đó, vào tập cùng đội B Incheon, tôi lại gặp vấn đề này và nằm luôn ra sân. Khi được đồng đội và HLV hỏi thăm, tôi nói dối do đau dạ dày vì thức ăn. Nhưng khi nằm ra sân mà không thấy đỡ hơn, tôi đánh liều kể sự thật với nhân viên y tế của đội", tiền vệ sinh năm 1995 nhớ lại.
Sau đó, Incheon đưa cầu thủ Việt Nam đến bệnh viện cấp cứu, và các bác sĩ đã mổ nội soi để giải quyết triệt để. "Bây giờ nghĩ lại, tôi thật phiêu lưu. Nhưng cũng may mắn, sau hai tuần chữa trị, sức khỏe của tôi hồi phục để trở lại tập luyện và thi đấu bình thường tận hôm nay", anh nói. "Định mệnh đưa tôi đến Incheon, và nếu không đi theo tiếng gọi của trái tim, có lẽ tôi sẽ không chắc vấn đề tim mạch của mình được xử lý triệt để như vậy hay không. Đó cũng là điều thần kỳ, và từ đó đến bây giờ, tôi không lần nào rơi vào trạng thái đó nữa. Chính Incheon đã hồi sinh Lương Xuân Trường, giúp tôi theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao và đạt được những thành công nhất định như hôm nay".
Tại Incheon, Xuân Trường ít được ra sân ở K-League mà chủ yếu chơi ở R-League - giải cho cầu thủ dự bị. Phải đến giữa mùa anh mới được thi đấu, rồi ra sân thường xuyên hơn về cuối mùa. Cũng trong năm 2016, Xuân Trường giành Quả Bóng Bạc Việt Nam, xem đó là động lực và có cơ hội rộng mở để tỏa sáng ở K-League trong năm 2017. Tuy nhiên, để có cơ hội ra sân nhiều hơn, anh rời Incheon và khoác áo Gangwon FC.
Nhưng theo Xuân Trường, đó là quyết định sai lầm của sự nghiệp. "Tôi đã mất một năm để làm quen, gầy dựng hình ảnh của mình ở Incheon, nhưng sau đó, vì muốn phát triển hơn nữa mà chọn cách ra đi để được thi đấu nhiều. Thế rồi chấn thương ở giai đoạn chuẩn bị khiến tôi mất cơ hội ở Gangwon FC. Dù cơ sở vật chất ở đó tốt hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, tôi được cấp căn hộ riêng, xe riêng, chấn thương lại hành hạ, khiến tôi không thể cạnh tranh vị trí. Giá như lúc đó, tôi đủ chín chắn hơn để nhận ra mình không có khả năng thích nghi tốt về chuyên môn, và tố chất của mình kén HLV. Nếu vẫn ở lại Incheon, tôi nghĩ mình sẽ có quãng thời gian ngọt ngào hơn tại K-League", Xuân Trường nói thêm.
Năm 2019, Xuân Trường lần thứ hai xuất ngoại sang khoác áo CLB Buriram United của Thái Lan. Tại đây, anh cũng thường xuyên thi đấu nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Dù vậy, theo cầu thủ người Tuyên Quang, trình độ tại Thai-League không hơn nhiều so với V-League, bóng đá hai nước có nhiều nét tương đồng. "Tuy nhiên, cầu thủ Thái Lan có cái gì đó hơn cầu thủ Việt Nam. Họ có bản lĩnh và phong thái chơi bóng ung dung, đĩnh đạc", anh nhận xét. "Bóng đá Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam, chưa biết họ bỏ xa đến đâu, nhưng họ đang ở phía trước. Nếu chúng ta không có những hành động cụ thể, thì khoảng cách này sẽ ngày càng gia tăng".
Sau các lần xuất ngoại, Xuân Trường cho rằng, không thành công nhưng anh không hối hận vì qua đó nhận ra giới hạn của bản thân, để có cái nhìn tốt hơn về các nền bóng đá khác nhau. "Sau những trải nghiệm ở nước ngoài, tôi không dám chắc mình có nên đưa ra lời khuyên liệu chúng ta có nên đưa cầu thủ trẻ ra nước ngoài thi đấu hay không. Vấn đề này có lẽ tôi phải ngồi lại nói chuyện với các bạn đã ra nước ngoài thi đấu như Công Phượng, Tuấn Anh... để có nhiều góc nhìn hơn. Nhưng cá nhân tôi vẫn tin, đây là cách mà bóng đá Việt Nam nên chú trọng thực hiện. Bởi khi nhìn vào đội hình Nhật Bản và Hàn Quốc bây giờ, có thể thấy 90% cầu thủ của họ đang thi đấu tại châu Âu".
Xuân Trường cũng cho rằng những con số đồn thổi khi anh ký với Incheon là không chính xác. "Hợp đồng giữa tôi với Incheon bị đồn trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Nhưng nó không chính xác so với thực tế, không biết vì sao họ lại đẩy con số lên cao như thế. Việc được định giá cao khiến tôi thấy đó là gánh nặng và áp lực, chứ không tự hào chút nào", Xuân Trường khẳng định.
Xuân Trường sinh năm 1995 tại Tuyên Quang, trưởng thành từ khóa I học viện HAGL Arsenal JMG. Anh sau đó tỏa sáng trong màu áo U19 Việt Nam rồi U23 Việt Nam và ĐQTG. Mùa 2023, Xuân Trường chia tay HAGL để khoác áo Hải Phòng, nhưng chưa thể tìm lại phong độ như trước. Anh được cho là sẽ chuyển sang Hà Tĩnh giữa mùa này.
Đông Huyền