Nhìn Tùng gò lưng kéo xe, bên trên chất ngất nghểu mấy chục thùng carton đựng giầy thể thao, chẳng ai nghĩ Tùng chưa đến 30 tuổi. Gương mặt ngăm đen khắc khổ với hai gò má nhô cao, hai nếp hằn khá sâu nơi khóe miệng khiến Tùng trông như đang độ tuổi trung niên. Thế mà Tùng vẫn trai tân. Bảy năm trước, Tùng sang Ba Lan khi mới 22 tuổi.
Cậu là một phần của cơn lốc xuất khẩu lao động chui ở miền Trung trong một thập niên trở lại đây. Cách nay hơn mười năm, không biết nguồn tin từ đâu mà viễn cảnh làm giàu ở châu Âu đã cuốn cả huyện của Tùng - một vùng đất yên ả ở Nghệ An vào cơn lốc xuất ngoại sang Ba Lan. Bố mất sớm, nhà chỉ có mẹ chưa kịp già đã yếu và ba đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn, Tùng là lao động chính, chỗ dựa thu nhập của cả gia đình. Hiếm khi có bữa no trong nhà. Tùng muốn đi.
Chẳng cần chờ Tùng ngỏ lời chính thức, mới nghe phong thanh, “cò xuất ngoại” đến liền. Phí dịch vụ “du lịch nước ngoài” cho một người: 400 triệu đồng. Tùng lắc đầu ngao ngán, định buông xuôi: bán cả đất, cả túp lều không được gọi là nhà và chục gốc bưởi vẫn không dồn nổi trăm triệu thì đi đâu?
Không để cho Tùng buồn lo, “cò tín dụng” tự mò đến nhà. Thỏa thuận lãi suất và thời hạn thanh toán xong xuôi, hai tháng sau Tùng lên máy bay sang Nga. Sau đấy là chuỗi ngày luồn rừng lội suối đến Ba Lan, để lại món nợ chờ Tùng gửi tiền về nhà trả cho “cò tín dụng”.
Giờ cậu làm việc 10 giờ mỗi ngày ở chợ. Bữa sáng, bữa trưa ăn quả táo, vài miếng bánh mì phết bơ, uống cốc sữa tươi cho rẻ. Bữa tối 8 người chen chúc trong căn hộ 2 buồng 50 mét vuông, góp gạo thổi cơm chung. Ăn qua quít, ở tạm bợ, sống tiết kiệm tối đa để dành tiền trả nợ, Tùng luôn nơm nớp lo sợ bị cảnh sát hay biên phòng quây bắt, tống vào trại và trục xuất về nước. Bốn năm lao động, Tùng mới trả hết nợ vay lãi.
Đó không phải là một số phận cá biệt bạn có thể gặp trên những nẻo đường châu Âu. Tùng thậm chí là một người may mắn. Trong làng có Tiến, thấy Tùng đi 4 năm trả hết nợ, cũng lại vay lãi để đi. Ba năm trước, Tiến đặt chân sang Ba Lan đúng thời kỳ làm ăn kém, đến cửu vạn cũng cạnh tranh hạ giá tiền công. Mỗi tháng, Tiến chỉ để ra được 300 đô - tức là chẳng nhiều hơn bao nhiêu so với lương công nhân khu công nghiệp ở nhà.
Hai tháng trước, Tiến bị biên phòng bắt, đưa vào trại tập trung chờ trục xuất về nước. Chiều nay, Tùng gọi điện cho tôi, giọng nghèn nghẹn: “Hôm qua lên trại tặng quà Tết cho Tiến, nghe kể vợ Tiến không chịu nổi áp lực đòi tiền của bọn chủ nợ đã cắp con bỏ đi biệt tăm, biệt tích đâu rồi”.
Đó chắc chắn cũng không phải những số phận của riêng châu Âu. Ở đâu đó trên khắp thế giới, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Đông, không khó để bắt gặp một số phận như thế. Thậm chí còn cay đắng hơn nhiều so với những người tôi đã gặp tại Ba Lan. Có bao nhiêu lao động không thể, hoàn toàn không thể về quê ăn Tết mùa Xuân này? Chẳng mấy ai biết: gần như chưa bao giờ nó được thống kê đầy đủ - như một vấn đề đủ nghiêm trọng của xã hội đáng ra phải thế.
Đó có thể là những sai lầm của riêng họ - những người nông dân ít hiểu biết mong muốn đổi đời bằng giấc ảo mộng những tên cò mồi vẽ ra để siết cổ. Nhưng đó liệu có thể còn là việc của ai khác? Ai để những đường dây “cò mồi” đưa người đi nước ngoài ấy ngang nhiên hoạt động nơi làng quê?
Tôi hỏi, từ ngày sang đây đã lần nào về thăm mẹ và các em chưa. Tùng mắt đỏ hoe bảo, năm nào cứ vào độ cuối năm, em gọi điện về nhà thông báo không về nước ăn Tết được, mẹ lại rấm rứt khóc. Bảy cái tết xa nhà đến rồi đi, mẹ cứ nghĩ cậu tiếc tiền vé máy bay, không nhớ không thương mẹ và các em. Mẹ đâu có biết, Tùng ở bên này bất hợp pháp, không có visa để ra vào biên giới, về là về luôn, làm gì có cửa quay trở lại...
Xuân này, bao nhiêu người không về như thế?
Trần Quốc Quân