![]() |
Người mẫu Xuân Lan. |
- Một người đàn ông như thế nào sẽ làm cho trái tim yếu đuối của chị thấy yên tâm?
- Tôi chỉ cần một người yêu mình, không quan tâm vẻ hào nhoáng bên ngoài, người ấy có công ăn việc làm để hai đứa không phải lo cạp đất mà ăn, thế mà cũng khó. Người đến sau họ biết mình từng yêu hết mình ra sao trước đây cũng khó chấp nhận lắm, cả mình cũng khó dám nhận tình cảm của người ta. Ngồi đây than thở không có người yêu thế nào cũng có người không tin.
- Chị nghĩ sao khi nhiều người nhận xét, khuôn mặt lạnh của chị là để che đi những yếu đuối trong lòng?
- Đúng vậy, như một con nhím rất yếu luôn phải xù lông để bảo vệ mình. Dáng vẻ đanh đá lạnh lùng là do tôi nguỵ tạo để che đi sự yếu đuối bản thân. Tôi nhạy cảm lắm, chỉ một cái nhìn, một nụ cười tình cờ của ai đó cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và sẵn sàng xù lông nếu chợt nghĩ ánh mắt, nụ cười ấy có vẻ không thiện cảm. Cũng vì nhạy cảm, tôi có cách bảo vệ tình yêu không giống ai, tôi xù lông với chính người mình yêu, tạo cảm tưởng và cả tin đồn rằng tôi là người hay trở mặt. Bề ngoài là như vậy nhưng trong lòng thì đau lắm, mình xù lông để đâm lại chính mình mà thôi.
- Chị mất bao lâu để trang bị cho mình một khuôn mặt lạnh trên sàn diễn?
- Nếu tính ra ngày tháng thì chắc khoảng 3 năm. Mặt tôi lạnh không phải là bắt chước ai cả và đương nhiên không phải tôi vênh váo. Vẻ mặt ấy bắt đầu từ việc tôi không cười nổi khi ra sân khấu. Tôi nhút nhát lắm, lúc nào cũng sợ diễn không được thì sẽ không đựơc ra sân khấu nữa, sợ quá nên không cười được dù đã được nhắc phải cười. Khi ấy, tôi chỉ diễn lót cho các hoa hậu thôi, rồi đến một ngày tôi cắt tóc, mái ngố trông như con trai, hóa ra cái kiểu đầu lại hợp với mình. Hợp rồi thì cứ để đó, cứ tiếp tục...
- Vậy từ một Xuân Lan mặt lạnh sang Xuân Lan mặt tươi thì mất bao lâu?
- 30 giây để vào trong cánh gà và xả vai, kể cả đóng phim cũng vậy. Thực ra, tôi là người thích sự đơn giản, ăn mặc sơ sài, không trang điểm, đi dép lê... Rồi có nhiều người nói trên sân khấu xinh như vậy mà ở ngoài thì luộm thuộm quá, tôi thấy như vậy không hay nên phải thay đổi. Được thực sự là mình của đời thường, tôi rất thích.
- Theo chị, sự hào nhoáng của thế giới thời trang có dễ làm giới người mẫu nhầm lẫn giữa sàn diễn và đời thường?
- Nhầm lẫn thế nào, với ai thì tôi không rõ lắm, với riêng tôi thì không. Bằng chứng là các khách hàng ở nơi tôi làm việc cũng dành cho tôi sự quý mến nhất định vì thấy tôi không giống trên sân khấu hay như họ hình dung khi nhìn trên sàn diễn (chắc phải đanh đá lắm). Họ thấy tôi hết mình vì công việc và cũng dễ thương. Còn nhìn ở góc độ so sánh đời thường và sàn diễn thì tôi thấy sân khấu có lực hút ghê gớm lắm, đã theo rồi thì khó bỏ được. Vì thế, ai đó trở lại với đời thường rồi mà không thoát ra được ám ảnh từ sàn diễn cũng là điều dễ hiểu, từ bạn bè, thói quen tiêu xài.... những thứ thiết thực nhất trong cuộc sống cũng như đã bị uốn theo phong cách thời trang, bỏ được 60% đã là giỏi lắm rồi.
- Những cám dỗ nào thường xảy ra với những người như chị?
- Người mẫu dễ bị cám dỗ cũng bởi họ đẹp, đẹp thì được nhiều người đàn ông thích và săn đuổi. Với những người mẫu nghiệp dư, show ít nhưng thói quen tiêu xài thì cao, vì thế họ dễ sa ngã và người ngoài nhìn thấy thế lại đánh đồng cho cả giới người mẫu. Đôi khi tôi thấy hơi buồn cười cho những sự sa ngã dễ dàng như vậy. Câu cửa miệng thường được các chàng câu kéo, đại loại: "Anh là Việt kiều mới về nước, bạn anh cho số điện thoại của em, anh muốn mời em đi chơi, gặp mặt nói chuyện". Nói như thế đã là sự xúc phạm những Việt kiều chân chính tử tế rồi.
- Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng người mẫu sa ngã bởi vì họ phải tạo cho mình vỏ bọc tương xứng ngoài đời?
- Chỉ là quan niệm của mỗi người thôi, nhất là trong chuyện chi tiêu. Một người mẫu chuyên nghiệp có thu nhập 10 triệu đồng/tháng được gọi là cao. Họ có thể đóng tiền học hết 2 triệu, điện thoại hết 1 triệu còn lại để ăn uống, chi tiêu khác hay để dành và cuộc sống vẫn ổn thoả. Nhưng cũng có người, tôi biết phải cầm cố nhà cửa để mua xe với mục đích lấy oai với thiên hạ hơn là do nhu cầu thực tế. Đó là cách chọn lựa của họ, cũng không trách được nếu đó là tiền do chính họ làm ra. Còn khi không có tiền mà vẫn muốn "oai" thì phải dùng tiền của người khác, đó cũng là một kiểu sa ngã. Tôi luôn tự hào là mình đã sống bằng chính sức lao động, không phải dựa vào ai, chẳng phải vay mượn, lại còn biết cách làm cho đồng tiền mình kiếm được sinh sôi, để lo cho sau này.
- Vậy chị đã sống theo nguyên tắc nào trong môi trường cạnh tranh gay gắt của giới người mẫu?
- Ngay từ đầu, tôi đã xác định mình luôn phải tỉnh táo kể cả khi thất bại trong công việc hay tình yêu. Và tôi cứ sống với ý chí ấy, những cuộc điện thoại mời đi chơi cũng nhiều đấy nhưng tôi luôn trả lời: "Chắc là anh nhầm số rồi!". Tôi làm nên tên tuổi mà không phải đi đường vòng.
- Giả sử nếu phải đi đường vòng thì Xuân Lan bây giờ sẽ như thế nào?
- Dễ thấy thôi, không đến nỗi không có xe xịn để đi như bây giờ mà chắc đã đổi vài đời xe, điện thoại dùng đời mới nhất rồi.
- Theo chị, lý do phổ biến nhất khiến người mẫu sa ngã là gì?
- Là do quan niệm có tiền là có tất cả, họ chưa có thời gian suy ngẫm hạnh phúc là gì và làm sao để có được. Họ không muốn làm việc nhưng lại muốn có tiền tiêu xài, để làm đẹp khiến người khác ngưỡng mộ..., đó là cái vòng luẩn quẩn. Những người như vậy thường có những lý do khá chắc chắn để bảo vệ quan điểm sống của họ, nhưng khi mọi chuyện sụp đổ như lâu đài trên cát thì họ cũng chỉ biết nói lời hối hận thôi, chẳng lý do nào biện minh được cho những thất bại của những toan tính.
(Theo Quốc Tế Thị Trường Tiêu Dùng)