- Con gái chị - bé Thỏ - năm nay đã ba tuổi. Bé thường hỏi gì về bố của mình?
- Bé hay hỏi tôi: "Bố ở đâu?", "Sao bố không ở gần con?"... Mỗi lần như vậy, tôi đều trả lời: "Do bố bận. Bố đi làm ở xa kiếm tiền nuôi con". Tôi từng cho bé Thỏ gặp bố vài lần khi bé bập bẹ biết nói. Về sau, bé luôn tưởng tượng về người bố qua những câu chuyện tôi kể. Thỉnh thoảng, tôi hay hỏi con gái yêu ai nhất trong nhà. Bé liền bảo yêu tôi, yêu anh chị em của tôi. Nhưng có câu trả lời làm tôi giật mình là "Yêu bố mẹ bằng nhau".
Từ câu trả lời đó tôi hiểu dù con không có bố, trong lòng con luôn dành tình yêu thương trọn vẹn cho bố ruột. Tôi đã bảo vệ tâm hồn con bằng cách cho con hình dung về người bố qua các câu chuyện tôi hư cấu. Tuy nhiên, tôi luôn hoang mang tự hỏi liệu tôi đang làm sai hay đúng. Bởi, nếu bạn cho đứa bé miếng bánh rồi lại lấy đi mất, nó sẽ khóc, tổn thương, hụt hẫng. Đó là vấn đề mà những người mẹ đơn thân như tôi phải đối mặt.
- Vì sao chị không cho con biết bố bé là ai?
- Tôi chủ động có con và chọn làm một người mẹ đơn thân. Còn bố bé là ai tôi nghĩ không cần bàn sâu. Mỗi người đều có cuộc sống riêng mà. Đôi khi tôi tự trấn an bản thân rằng bé Thỏ là con tôi nên bé phải sống theo cách mà tôi chọn. Tôi cố gắng thay đổi hoàn cảnh của con bằng cách tạo ra nhiều tình yêu thương cho con, ví dụ như bé có nhiều "bố" và "mẹ" là người thân, bạn bè của tôi.
Tôi không may mắn, lại thêm tính cách của tôi rất khó để có được một nửa của đời mình. Tôi thẳng thắn, thông minh, sống tự chủ và luôn tự ra quyết định trong mọi việc. Thế nên, tôi chọn là mẹ đơn thân để tự chủ trong cuộc sống, thoải mái dạy con theo cách tôi muốn. Tôi đưa bé Thỏ đi trên con đường mà tôi hình dung không phải tranh cãi với bất cứ người đàn ông nào, không để họ xen vào cuộc sống của con. Có điều, tôi luôn viết trong sổ nhật ký rằng: "Mẹ xin lỗi con vì không cho con một cuộc sống có bố".
- Trên hành trình làm mẹ đơn thân, chị đã đối mặt với những áp lực gì?
- Tôi chọn có con khi ở ngưỡng 36 tuổi bởi tôi sợ mình không thể sinh con được nữa. Tôi không còn thời gian hay cơ hội để tìm được một người kết hôn, chia sẻ cuộc sống. Bạn bè tôi nhiều người không thể sinh con được. Vì vậy, tôi rất sốt ruột.
Một thời gian, tôi bị người ta nói "không chồng mà chửa", sống không đàng hoàng. Họ cũng bảo bé Thỏ là đứa trẻ không có bố. Nhưng tôi không quan tâm đến dư luận. Tôi cũng không muốn cho ai soi mói cuộc sống mẹ con tôi. Để có được con gái, tôi chấp nhận đánh đổi mọi thứ trên đời. Bù lại, sự hiện diện của con là điều quá tuyệt vời trong đời tôi.
- Nuôi con một mình, chị vất vả ra sao?
- Tôi vất vả hơn những người mẹ khác về kinh tế, sức khỏe, thời gian. Từ lúc sinh con đến giờ không đêm nào tôi tròn giấc. Nếu con đau bệnh, một mình tôi vác bé chạy vào bệnh viện. Con tôi ngày một nặng và sức của người phụ nữ không thể ẵm bồng nó nhiều được. Sau khi sinh con một tháng, tôi đi làm. Nhiều lúc tôi mang con ra trường quay, ngồi vắt sữa cho con bú. Tôi muốn con phát triển trong môi trường văn minh để trí tuệ bé luôn rộng mở. Tôi đưa con đi du lịch, ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Con tôi phải biết xếp hàng mua cà phê, uống xong phải biết bỏ ly vào thùng rác. Chính vì vậy, tôi luôn phấn đấu tích lũy tiền bạc để bé có môi trường học tập thật tốt.
Nhưng tôi không áp đặt ý muốn của mình lên bé. Tôi làm những điều bé thích. Bù lại con tôi có được tất cả những gì một bé con cần. Tôi luôn gồng lên để mạnh mẽ hơn. Dù mệt, tôi vẫn không cho phép mình bị ốm. Nếu hết tiền cũng không để ai biết. Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan để nuôi con.
- Vì sao chị không tìm được một người đàn ông cùng chị đi trọn cuộc đời?
- Tôi vẫn đang chờ duyên phận của mình. Ở đám cưới Trấn Thành vừa qua, tôi gặp ca sĩ Bảo Anh, em ấy hỏi tôi: "Chị đã quá đau khổ trong tình yêu. Vậy cho chị yêu lại chị có yêu không?". Tôi trả lời rằng tôi vẫn tin và yêu dại khờ như ngày đầu. Không phải vì tự bảo vệ bản thân mà tôi phải gồng lên tránh xa đàn ông. Nếu vậy, tôi sẽ giống một bộ máy hơn là con người. Khi nào cơ hội đến tôi nhận nhưng tôi không chạy đi tìm.
Vài người đàn ông theo đuổi tôi. Có người chờ đợi tôi nhiều năm. Có người vững kinh tế. Nhưng tôi vẫn không đồng ý vì không có cảm xúc, thấy họ không phải là đối tượng của tôi. Ví dụ, tôi rất sợ rắn, rết, côn trùng nhưng họ lại rủ tôi đi vào rừng sâu cắm trại. Họ quá khác tôi về quan điểm sống, sở thích. Tôi muốn có một người đàn ông thành đạt, cho tôi nhiều kiến thức sống và phải yêu thương bé Thỏ. Tôi đang tìm hiểu một người nhưng tôi không biết liệu chúng tôi có duyên với nhau không.
- Trải qua nhiều năm làm mẹ đơn thân, chị thấy tính tình mình thay đổi ra sao?
- Tôi sống đằm hơn, có kế hoạch rõ ràng, khó tính hơn trong công việc chứ không bồng bột như trước. Tuy vậy, vì một mình nuôi dạy con nên tôi hay "xù" lên mỗi khi có chuyện, không cho ai ăn hiếp mình. Khi thấy bé Thỏ đi học về có vết xước ở chân vì bị bạn đánh, tôi liền bảo bé: "Nếu có bạn nào đánh thì phải đánh lại thật đau để bạn nhớ không dám đánh lần thứ hai". Tôi đem câu chuyện này kể cho một người đàn ông có bốn đứa con. Sau một ngày suy nghĩ, anh ta liền nói với tôi rằng nếu khi mâu thuẫn nhau, người đánh qua, kẻ đánh lại thì xã hội sẽ nát hết. "Nếu ai đó làm tổn thương mình, mình không nên cho họ có thêm cơ hội tiếp cận mình" - đó là lời anh khuyên tôi nên dạy con.
Lúc đó, tôi mới nhận ra quan niệm "không cần đàn ông" của tôi là một thiếu sót. Một người mẹ đơn thân cũng rất cần tham khảo ý kiến của nhiều người xung quanh. Phụ nữ vẫn là phụ nữ và con tôi vẫn cần cách dạy dỗ của một người đàn ông. Đôi khi, nhìn lại chặng đường của hai mẹ con, tôi thấy chúng tôi cô độc quá. Điều đó khiến tôi suy nghĩ lại và thương con vô cùng. Bây giờ, trong thâm tâm, tôi muốn tìm một người bố cho bé Thỏ.