Căn nhà chỉ có hai mẹ con rơi vào im lặng. "Ừ", lúc sau, tiếng bà Phấn vọng vào từ gian ngoài, vỏn vẹn một chữ. Khánh biết tính mẹ, một người phụ nữ quen ruộng đồng, hay làm, ít nói ngay cả với đứa con trai duy nhất. Nhưng khi Khánh bước qua cổng nhà, người mẹ lật đật chạy theo nhét vào ngăn ngoài cùng chiếc balo màu xanh năm hộp cao Sao Vàng. Bà biết đất Hà Giang, nơi con công tác lạnh hơn quê nhà Lục Yên (Yên Bái). Bà cũng hiểu, từ nay biên giới là ngôi nhà thứ hai, nơi mà cậu con trai 24 tuổi sẽ gắn bó nhiều hơn cả căn nhà thời thơ ấu.
"Nói với mẹ không về ăn Tết còn khó mở miệng hơn cả khi báo tin thi trượt đại học năm đầu tiên. Nhưng dịch bệnh kéo dài, phải xác định dần tư tưởng thôi", thiếu úy Phùng Văn Khánh cười vang, để lộ lúm đồng tiền và bờ môi nứt trắng vì lạnh, trưa cuối năm, trong sân Đồn biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang).
Khánh về công tác tại Đồn Xín Cái ngay sau ngày tốt nghiệp Học viện Biên phòng, cuối tháng 8/2020. Lúc đó Việt Nam vừa bước qua làn sóng Covid-19 thứ hai. Đơn vị quản lý 24 km đường biên hai xã Thượng Phùng và Xín Cái. Điểm "nóng" nhất khi người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc ồ ạt trở về. Sáu tổ công tác của đồn đã ngăn chặn, đưa đi cách ly y tế hơn 7.500 người, kể từ tháng 2/2020 đến nay.
Một năm qua, hơn 1.600 chốt kiểm soát phòng chống Covid - 19 của lực lượng biên phòng dựng dọc ba tuyến biên giới dài 5.000 km. Hơn 7.000 bộ đội thay phiên tuần tra, kiểm soát đêm ngày. Hàng trăm người gác lại chuyện riêng, cưới xin, vợ sinh, con ốm, thậm chí là cha, mẹ qua đời. Những người lính tuyến đầu chống dịch như Khánh, ngoài xác định tư tưởng cho mình còn chuẩn bị luôn cả tâm thế cho người thân, khi đại dịch còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khánh bắt đầu "làm quen" với nhiệm vụ chống dịch từ hồi tháng Hai năm ngoái, khi đi thực tập ở Cao Bằng. Chốt chống dịch đóng cạnh sông Bằng Giang, nơi nước chảy siết, thuyền bè khó qua lại, nhưng người từ Trung Quốc vẫn đổ về. Một sáng mưa phùn, tổ công tác nhận lệnh truy tìm người vừa vượt qua biên giới. Khánh cùng đồng đội chở nhau trên xe máy tìm dọc bờ sông. Con đường nhão nhoẹt sau nhiều ngày mưa dầm, chiếc xe trượt bánh, hất hai anh em xuống dốc đầy bùn. Quân phục lấm lem, cả hai quyết định vứt xe lại, chạy bộ gần 4 km truy bắt người. Đó cũng là lần đầu tiên cậu dùng đến lọ cao Sao Vàng của mẹ khi chân sưng tấy vì va đập lúc ngã.
Nửa năm về Đồn Xín Cái công tác, cậu đã quen với nhiều đêm tuần tra lưu động, lập biên bản thu dung công dân bị trao trả về, truy đuổi người vượt biên trái phép với tần suất dày đặc. Nhưng Khánh chưa bao giờ dám kể với mẹ. Năm đầu tiên ở đồn ăn Tết, cậu dành dụm tiền lương gửi mẹ "sắm Tết tươm tất cho bằng người ta", mua thuốc cho ông ngoại ốm nằm một chỗ nhiều năm.
Cách đồn biên phòng gần chục km, chốt chống dịch mốc giới 450 cạnh bãi đất trống thôn Mỏ Phàng vừa được lợp tôn, kiên cố trước Tết. Sái Ngọc Quyền tay xách đôi can nhựa 20 lít, móc dây vắt ngang yên xe Win rồi phóng xuống bản xin nước.
Quyền thuộc quân số Công an huyện Mèo Vạc, tăng cường lên chốt kiểm soát mốc giới 450 hồi tháng Hai năm ngoái. Cậu nhớ 28 Tết Canh Tý, vừa từ nhà dưới TP Hà Giang lên Mèo Vạc liền nhận lệnh tăng cường đi bảo vệ khu cách ly Khâu Vai một tháng. Xong việc về huyện cách ly hai tuần rồi vào thẳng chốt kiểm soát với bộ đội biên phòng Xín Cái.
"Em xin đầy hai can được không?", cậu trai trẻ đứng giữa sân, bối rối hỏi chủ nhà, được đồng ý mới dám xách can vào. "Anh em không dám xin nhiều vì ngại, bà con cũng phải tiết kiệm từng giọt", cậu nói, tay chậm rãi chắt nước vào can, như sợ rớt ra ngoài. Thượng Phùng, nơi chỉ có đá tai mèo và cây bụi nhỏ trở thành "Trường Sa trên cạn" khi mùa khô đến, kéo dài từ tháng Mười năm trước đến tháng Tư năm sau. Mấy năm trước khi đồn chưa xây được bể nước hứng mưa, các đoàn công tác lên thăm thường mang theo vài phuy nước làm quà.
Cậu thanh niên có gương mặt bầu bĩnh, da tím đỏ bồ quân vì rét. Độ cao 1.700 m, mùa đông nơi này lệch với thành phố gần chục độ C, dù cùng một tỉnh. Bốn mươi lít nước xách về, năm anh em ở chốt chia nhau từng ca đánh răng, rửa mặt. "Lính biên cương dùng nước chẳng khác gì lính đảo", Quyền cười khì khì, đổ nước vào nồi vo gạo. Nước ấy xong chắt lại rửa rau, rồi rửa bát, cuối cùng tráng bát bằng một lượt nước lã. Tuần tra liên tục trong mùa đông, họ tranh thủ ba ngày về đồn tắm, tiện thể mang quần áo giặt luôn.
Ở đơn vị công an, nhiệm vụ của Quyền là bảo vệ an ninh trật tự, hỗ trợ tư pháp. Ròng rã một năm cắm chốt, cậu con trai thành phố đã quen với những đêm đang ngủ bật dậy chuẩn bị đồ đi tuần tra, cùng bộ đội "đón" người nhập cảnh trái phép về lúc rạng sáng, thậm chí ôm quân tư trang chạy ra khỏi chốt trong đêm giông lốc quật tung lều bạt dã chiến hồi giữa năm.
Hai mùa xuân cắm chốt chống dịch, cách TP Hà Giang hơn 250 km, cậu con trai cả vẫn chưa về nhà. 28 Tết năm ngoái, Quyền còn gọi điện cho mẹ, hẹn "Ra Giêng mùng 4 con về". Lúc ấy cậu chưa biết đến Covid-19, chưa lên tuyến đầu chống dịch.
Ngày 29 Tết mọi năm, Quyền thường chở mẹ đi mua bánh kẹo, sắm sanh đồ sắp mâm ngũ quả. Sau xe cuối phiên chợ luôn chằng một cành đào, có năm cây quất, về chăng đèn nhấp nháy. Thế là có Tết. "Năm nay, giắt sau yên xe chỉ có hai can nước", cậu lính cười, nhắn nhủ "Chắc bố mẹ cũng phải dần quen thôi. Bởi anh em ở đây còn có gia đình, quê xa vẫn đang cắm chốt chống dịch, chứ đâu phải mình con".
Hoàng Phương