Chính vì vậy, hơn hai mươi năm trôi qua, mùa xuân đối với tôi là thời khắc thiêng liêng nhất, nhưng cũng là những gì trăn trở buồn vui lẫn lộn. Nghĩ về mẹ, lòng tôi luôn nuối tiếc và nhớ mong. Mặc dù, nhớ mẹ vô cùng nhưng tôi vẫn thầm nhủ: mẹ tôi đã và luôn sống ở trong tâm trí tôi, mẹ vẫn còn ở đâu đây, theo dõi bước tôi đi.
Mùa xuân năm 1994, tôi được tin mẹ ốm nặng qua người anh con của cậu làm ở UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết mẹ ốm nặng (khi đó chưa có điện thoại như bây giờ), biết rằng mẹ bệnh nhưng mùa xuân ấy tôi không về được, với lý do tiền lương quá ít, nuôi thân mình chưa đủ huống gì dư dã để về. Đồng thời, tuyến tàu xe Bắc Nam đi phải gần 3 ngày mới về đến nhà nên đành đoạn trở thành đứa con “bất hiếu”, chỉ nhờ vào bố và anh chị ở nhà chăm lo cho mẹ. Ăn Tết xa nhà có gì vui, mẹ ốm nhưng đường xa không về được, đó là nỗi buồn sâu thẳm trong lòng tôi…
Khi đó, tôi nhớ tiền lương cơ bản là 150.000 đồng một tháng, tích góp tôi gửi về cho mẹ được 80.000 đồng, tiền chưa về đến nhà thì mẹ đã ra đi… Mùa xuân ấy, anh trai tôi bảo rằng: mẹ ốm lắm rồi, các em tranh thủ cuối năm về thăm mẹ. Chúng tôi 2 chị em gái ở trong này thầm nhủ, làm việc tích cóp để cuối năm về thăm mẹ. Nào ngờ sáng ngày 15/4/1994 (âm lịch) tôi nhận được hung tin, mẹ đã mất đêm qua 14/4/1994(âm lịch) vì nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện 71TW tỉnh Thanh Hóa.
Thân tôi rã rời, nước mắt nhòe không lối đi, tiền đâu để về đưa tiễn mẹ? Trong khi đường sá xa xôi cách trở. Hơn nữa, phong tục quê tôi người chết hôm nay chỉ có thể để qua đến ngày mai đã đưa đi rồi.
Gom tiền, vay bạn bè, thu được những gì có thể lên xe đò trở về quê cùng với đứa cháu trai lên 7 tuổi (chị gái khi đó đang bị bệnh). Dọc đường, nước mắt chan cơm, nghẹn ngào không thể tả được, muốn gào thét lên thật to: con nhớ mẹ vô cùng, mẹ ơi! Trống trải, cô đơn và đau đớn không có thể bù đắp lại được bằng bất cứ thứ gì, người mẹ đứt ruột đẻ ra tôi đã ra đi.
Tuyến đường Bắc Nam còn nhiều chỗ gập gềnh, “bán mình” trên chuyến xe đò năm ấy cứ thấy đường sao đi xa tít, nước mắt đã cạn còn lòng thì nhói đau từng cơn khi quá khứ ở bên mẹ ập về. Thấp thoáng bóng mẹ dưới cánh đồng lúa, đồng khoai, thấy bóng mẹ bé nhỏ phía sau con trâu đi cày. Tôi lớn lên tròn trịa từ những giọt mồ hôi và thấm đẫm nước mắt của mẹ và cha…
Tôi trở về đến nhà thì cũng vừa đúng 3 ngày mẹ đã ra đi, nấm mồ cỏ xanh nền nền đất mới, không một tấm hình ảnh nào của mẹ được lưu lại nhìn hàng cây lối cũ đứng im mà hờn trách xót xa: mẹ tôi đâu? Linh hồn mẹ có thể phảng phất quanh đây, nhưng thân hình bằng da thịt của mẹ mãi mãi không còn nữa, mẹ đã trở về với cát bụi từ đó...
Mấy năm nay, bố tôi đã già yếu, ông đã ngoài 80 tuổi, 3 lần tôi được anh trai điện về gấp: Bố ốm nặng nhập viện có lẽ không qua khỏi. May thay, 3 lần khăn gói lên đường về khi đặt chân đến sân bay Vinh, thì anh trai lại điện thoại: em đi từ từ thôi, Bố đã tỉnh lại rồi. Mặc dù vậy, tôi cũng không ở lại Vinh quá lâu(ông nội con gái tôi ở Vinh), vào thăm ông và thắp nhang cho bà nội (mẹ đã mất năm 2008) nén hương rồi lại lên đường thẳng về Bệnh viện thăm bố…
Lần thứ 3 về thăm bố vừa qua tháng 10/2014 tại Bệnh viện 71TW, nhìn thấy bố quằn quại trong cơn đau mà lòng tôi đau nhói, xa quá không thể ở nhà chăm lo cho bố khi già cả ốm đau, không thể nấu cho bố bát cháo, không thể giặt cho bố cái áo sờn vai. Nhìn bác sĩ lấy ven cho bố không được, nhìn tay bố dây dợ chằng chịt vì truyền nước và tiêm kháng sinh mạnh (Bố tôi bị tràn dịch màng phổi). Người bố đau ê ẩm vì không thể tự mình ngồi dậy làm tất cả những gì bố muốn (Bố tôi vốn là người rất sạch sẽ và kỹ lưỡng), anh chị em tôi chỉ biết cầu mong và cầu mong bố vượt qua cơn nạn. Ơn trời, hơn một tháng nằm phòng cấp cứu bệnh viện, bố tôi được bác sĩ cho về nhà tiếp tục theo dõi và dưỡng bệnh…
Ngày chị em tôi lên đường vào Nam, chân tôi không muốn rời bước đi lòng thầm cầu khấn: ông trời ơi, chúng tôi chỉ còn một “tấm thân gầy” của cha, một chút niềm tin yêu hy vọng về đấng sinh thành, xin người đừng bỏ chúng con đi…
Tết này con không về, ở lại Sài Gòn hoa lệ con cũng chẳng sắm gì, xa xôi quá và lực bất tòng tâm. Nhưng chỉ cầu mong sao bố sống lâu hơn nữa, bệnh tật chắc sẽ làm cho bố đau từng ngày. Nhưng ở nơi xa xôi này chúng tôi còn chút niềm tin là điện thoại nghe bố nói trong đêm giao thừa, hy vọng thời khắc giao thừa qua đi, bố tôi thọ thêm một tuổi. Niềm mơ ước của tôi đứa con xa quê, cũng như niềm ước nguyện của hàng triệu người con xa quê hương làm ăn sinh sống như tôi. Xuân đến, tôi cầu chúc mọi người ở mọi miền tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài đón xuân vui vẻ, luôn hướng về quê hương, đất nước nơi đây có những người cha, người mẹ sinh thành của chúng ta cũng đang ngày đêm mong nhớ con mình. Xin mượn lời bái hát “Mừng tuổi mẹ” của tác giả Trần Long Ẩn để kết thúc tâm tư: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần. Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin, tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ. Mỗi mùa xuân về mẹ thêm tuổi mới, mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi mẹ…”.
Ngọc Thủy
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |