Các câu nói của Xuân Hinh thường rất ngộ nghĩnh và dễ nhớ. "Này nhé, đừng có mà chê tớ rẻ tiền! Rẻ tiền còn hơn là không có tiền nhé!". Thế là tất cả đều cười. Rồi: "Đắt tiền mà diễn chẳng có người xem thì đắt tiền làm gì! Còn Xuân Hinh á, mỗi lần diễn, kín cả sân vận động đấy! Có bà cụ bảy mươi tuổi còn trèo lên cả mái nhà để xem cho rõ và cười lăn cười lộn nhé!...".
Nghệ sĩ Xuân Hinh. Ảnh: VNN. |
Rồi lại nghe chuyện Xuân Hinh "tám láo" tại chuyến đi diễn ở Kharkov (Ukraine) mới đây. Có lần, cả đoàn chuẩn bị đi tham quan đất bạn, gần như tất cả đều xuống xe, vì lịch sự và có thể cả hiếu kỳ, ít ai muốn từ chối thịnh tình của chủ nhà.
Chờ mãi, không thấy Thanh Thanh Hiền xuống, cô kêu mệt, ai vào rủ cũng không được. Thế là Xuân Hinh tất tả lên tận phòng, tay chống nạnh miệng năm miệng mười: "Này, cái cô Hiền kia, sao cô không đi, định ở nhà một mình để chờ ai hả? Có muốn tôi gọi điện về cho gã nhà cô bảo thế không, cho nó tan luôn đi nhé!". Vừa tức vừa buồn cười, Thanh Thanh Hiền đành phải gượng dậy xuống xe đi tham quan cùng mọi người.
Thế là Xuân Hinh toét miệng bảo: "Ả này thì cứ phải thế này mới xong!". Hồn nhiên, đầy nhân hậu... Trong đời thường, Hiền và Hinh là những bạn diễn thân thiết từ lâu, cùng nhau tập không biết bao nhiêu trò để đi "câu cơm thiên hạ" nên quá hiểu nhau, biết quá rõ những "gót chân Asin" của nhau nên chọc nhau có hiệu quả liền.
Lên sân khấu, Xuân Hinh cũng rất hay xuất thần tung ra những câu ngẫu hứng đắt giá đối với từng lớp công chúng cụ thể và vì thế, anh hay gặp được những tràng vỗ tay đầy phấn khích của người xem. Kể cả khi "lý luận" về nghề, anh cũng có kiểu nói riêng: "Nghĩ về tiếng cười thì nó có rất nhiều kiểu cười, có thể nói vui là cười ruồi, cười nịnh, cười đểu, cười giẫy đành đạch..."
Làm một nghệ sĩ như là làm một mâm cơm, gọi là làm dâu trăm họ. Một mâm cơm có nhiều món, người thích ăn món này, người thích ăn món kia. Có người thích ăn chim hầm, gà quay, gà tần, có người thích ăn cà muối, có người thích ăn đậu phụ... Tiếng cười của Xuân Hinh, Xuân Hinh luôn tự nhận là tiếng cười bình dân, đại diện cho người dân lao động. Lúc nào cũng nhận mình như cà muối thôi, như là đậu phụ thôi.
"Mặc dù cà có độc, cơ thể yếu thì không ăn cà được. Cơ thể mà yếu thì làm sao cười được, giẫy đành đạch thì làm sao mà cười được...".
Khi bị phê bình là hay diễn tục, Xuân Hinh chống chế: "Thực ra có nhiều thứ trong đầu mình nghĩ là tục thì nó là tục, còn nếu đầu mình không nghĩ tục thì nó đâu là tục. Có nhà văn nói rồi, khi xem một bức tranh mỹ nữ khỏa thân, nếu con mắt ta tục thì đó là khiêu dâm, còn nếu con mắt ta sạch thì đó là sự tụng ca nhan sắc! Tôi nghĩ rằng, khi còn tồn tại những tệ nạn xã hội thì cũng cần phải mang những cái tục để đả phá chúng thì mới "đôi lứa xứng đôi". Nói ra cái tục mà có tính giáo dục thì đâu có tục".
Trước nhận xét, nghệ sĩ thường hay say mà Xuân Hinh thì lại tỉnh thế, anh đã lý giải: "Tỉnh là đúng thôi. Tỉnh mà còn đói, chứ nữa là say! Say nghề nó cũng như uống rượu ấy mà! Chả bao giờ để mình say, yêu nghề đến mức đủ thôi. Yêu là đủ, không nên say, không nên si mê, làm gì cũng thế! Đấy là tôi nghĩ thế".
Xuân Hinh như một phù thủy cao tay ấn có thể bắt khán giả liên tục thay đổi trạng thái tâm lý trái ngược nhau tùy ý anh. Cười đấy nhưng rất mệt mỏi và bị ám ảnh, đó là hiệu quả của kiểu diễn xuất mang thương hiệu Xuân Hinh.
Quan sát Xuân Hinh trong những sinh hoạt hàng ngày, dễ "phải lòng" anh bởi tác phong dễ thương và tính lạc quan cao độ của anh. Xuân Hinh không bao giờ tỏ ra mình là "này nọ" mà sống lúc nào cũng như lúc nào, không suồng sã nhưng cũng không cảnh vẻ.
Anh cũng chẳng hề bối rối trong bất cứ tình huống nào, dù oái oăm đến mấy. Anh không là người tham lam phúc lộc ở đời. Đắt sô vào loại hàng đầu, nhưng anh biết "lộc bất tận hưởng" và chỉ nhận diễn ở liều lượng hợp lý...
Giờ sống quá xông xênh nhờ tài năng và lao động nhưng trong quá khứ, Xuân Hinh đã biết đủ mùi hun khói của cuộc đời lam lũ. Người đàn ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kinh Bắc đa tình, đa tài, đa mẹo làm ăn từng phải chạy chợ nhiều năm để giúp mẹ nuôi em ăn học và nuôi bản thân mình ăn học.
Ra đến Hà Nội vào trường sân khấu rồi vẫn không dứt được "đận" đi buôn: buôn lợn, buôn gà, buôn vịt, buôn sắt vụn... Rất nhiều thứ, gặp gì buôn nấy, miễn là có lãi lấy tiền ăn để đi học.
Xuân Hinh kể: "Có những kỷ niệm rất là buồn. Khi học hết buổi thứ bảy ở trường là phải lên tận Bảo Liên, Hoàng Liên Sơn cũ ấy, mua măng này, mua vỏ này, mua đủ các thứ, đến hàng chục bao tải, để mang về Hà Nội bán lấy tiền học. Không còn cách gì khác vì mẹ ở nhà quê vớt một gánh bèo bán được có 400 đồng mà phải đi bộ 3 cây số. Thấy con đi ra Hà Nội, mẹ chạy theo đưa được cho 2.000 đồng. Mình nhìn thấy mẹ chạy mà rưng rưng hai hàng nước mắt.
Trong suốt mấy năm học, mình đã không hề lấy đồng nào của mẹ mà cứ chờ chủ nhật đi lên các vùng cách Hà Nội 300 cây số để mua từng quả trám, từng khúc vỏ... Đi trên đường về - đến Tô Keo thì lái xe họ thả xuống đường để họ về lối khác, lúc đó là 1 giờ sáng rồi! 10 bao tải vỏ ấy để giữa đường và mình phải cõng từng bao tải vào giữa làng gặp nhà ai đó thì bảo "Bác ơi cho cháu ngủ nhờ". Họ sợ kẻ gian không mở cửa, thế là phải vác cả 10 bao tải vào ngồi sân nhà người ta, muỗi cắn sưng hết cả mặt mũi, khóc sưng hết cả hai mắt".
Nhớ lại tuổi thơ, có lần Xuân Hinh ngậm ngùi: "Từ năm 12-13 tuổi đã phải đạp xe mười mấy cây số xuống chợ Gia Lương để chở thị xuống bán, phải đi sớm để kịp chợ họp lúc gà gáy, rồi lại mua cá mua tôm về bán ở chợ làng ở núi Thiên Thai...
Có hôm buôn chó về đến bến xe Bắc Giang thì không có vé phải nằm ở bến xe. Mấy bà ngồi cạnh thấy chó nó cắn thì các bà cứ chửi. Đêm 1 giờ sáng rồi thì dậy thả chó ra chỗ quầy bán vé để cho nó đỡ cắn, thì nó lại sổng ra ngoài, thế là cả đêm tôi chả ngủ được mà cứ phải đi tìm bắt lại con chó đã bị sổng... Khổ thế nhưng 7 năm đại học không nghỉ, không bỏ buổi nào mới ghê chứ!". Nói đoạn, Xuân Hinh cười đắc chí.
(Theo An Ninh Thế Giới)