Căn nhà ở Hàng Bông (Hà Nội) của Xuân Hinh ngày đầu năm thêm phần rộn ràng khi con gái cùng chồng mới cưới về chúc Tết. Nghệ sĩ diện áo dài, cùng cả nhà nâng ly chúc nhau mùa xuân mới hạnh phúc và bình an. "Năm nay nhà có thêm thành viên mới nên đông vui hơn một chút. Thời dịch, cả nhà khỏe mạnh, sum vầy là không còn gì bằng", Xuân Hinh hồ hởi.
Mọi năm, gia đình nghệ sĩ về quê ở Bắc Ninh, tới từng nhà họ hàng để chúc Tết. Năm nay, để đảm bảo an toàn thời dịch, nghệ sĩ ở lại Hà Nội. 25 tháng Chạp, Xuân Hinh về quê tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên và gửi quà mừng tuổi các cụ già, người thân. Nghệ sĩ cũng không nhận show diễn, chỉ tham gia Xuân phát tài được ghi hình không khán giả từ trước, như lời chào năm mới tới mọi người.
Ngày đầu năm, Xuân Hinh hoài niệm về Tết thuở ấu thơ. Khi ấy, nhà có bảy anh chị em, thiếu thốn đủ bề. Phiên chợ cuối năm, mấy anh em chạy bộ theo mẹ quẩy gánh ra chợ, được mua cho bộ quần áo mới. Nghệ sĩ nhớ lúc ngồi canh nồi bánh chưng, được ăn nhiều món ngon mà ngày thường chẳng có.
Ngày bé, Xuân Hinh làm nhiều việc phụ giúp cha mẹ. Năm 12 tuổi, trời chưa sáng, nghệ sĩ đã phải đạp xe mười mấy cây số từ nhà xuống chợ Gia Lương (huyện Gia Lương) để bán thị. Sau đó, anh lại mua tôm, cá đưa về chợ làng ở núi Thiên Thai (huyện Gia Bình) bán lại. Khi lên Hà Nội học, cuối tuần anh bắt xe lên thị trấn Bảo Yên (Lào Cai) mua gần chục bao trám đưa về chùa Dâu (Bắc Ninh) bán. Có lần, xe đổ giữa đường lúc 2h sáng, nghệ sĩ lưng cõng, tay kéo lê từng bao vào nhà dân gần đó xin ngủ nhờ. Họ sợ kẻ gian không mở cửa, anh đành phải ngồi bên ngoài. Muỗi cắn sưng mặt, nghĩ tủi phận Xuân Hinh chảy nước mắt.
Sau này, Xuân Hinh được khán giả biết đến, cuộc sống đủ đầy hơn. Tết với nghệ sĩ không còn là sự háo hức như xưa, thay vào đó là dịp để gần người thân, gia đình. "Qua thời Covid mới thấy là con người quý với nhau ở tình. Tình vợ chồng, cha mẹ, thầy trò, bạn bè", nghệ sĩ nói.
Tâm niệm mang tiếng cười xua tan nhọc nhằn cuộc sống cho mọi người, Xuân Hinh từng được mệnh danh "vua hài Tết". Nghệ sĩ nổi lên như hiện tượng sau vai Cu Sứt trong vở hề chèo cùng tên tại Festival cười năm 1988. Nét dí dỏm, hài hước, chất giọng chèo ngọt ngào của anh thu hút sự chú ý của khán giả. Nghệ sĩ trở thành cái tên được săn đón, xuất hiện liên tiếp với hàng loạt tác phẩm như Hề Cu Sứt, Hề mồi, Hề gậy, Thầy đồ...
Có tố chất kinh doanh, nhận thấy điểm mạnh của bản thân và cái thiếu của thị trường, Xuân Hinh bắt tay vào sản xuất hài Tết. Chút tiền tích cóp được từ việc đi diễn, anh bỏ hết vào làm CD. Nghệ sĩ tự nhận trời thương nên băng đĩa bán chạy. Trước ngày phát hành, các chủ cửa hàng ở Lạng Sơn, Lào Cai... đổ về Hà Nội xếp hàng từ 12h đêm để mua. Họ đóng thùng to, thùng nhỏ chở về bán cho "nóng". Thập niên 1990 - đầu những năm 2000, hầu như nhà nào ở miền Bắc cũng có đĩa hài Xuân Hinh. Những màn đối đáp hài hước đậm chất quê, câu chèo, quan họ ngọt ngào của anh trong Mộng Thị, Lý Trưởng - mẹ Đốp, Nghịch đời, Ngựa người người ngựa... mang đến tiếng cười năm mới cho bao người.
Đắt khách, sản phẩm của nghệ sĩ trở thành miếng mồi béo bở cho các hãng đĩa lậu. 8h sáng công ty phát hành băng video Xuân Hinh 2003, 9h đĩa nhái có mặt khắp các cửa hàng. Họ in sẵn bìa và bán bằng 1/8 giá phát hành. Có lần, nghệ sĩ thấy cụ bà mua 10 đĩa lậu của anh một lúc, gói vào khăn cẩn thận như thể sợ rơi mất. 10 chiếc giá 45.000 đồng, chỉ bằng một đĩa chính hãng. "Cụ chắc hẳn chẳng biết giả, thật, thích Xuân Hinh nên mua. Tự nhiên mình lại thấy thương thương", nghệ sĩ nói. Dần dà đĩa lậu "hoành hành", nhiều người làm hài Tết, Xuân Hinh rút lui. Khi nào có đơn vị mời đóng tiểu phẩm, có vai diễn hay, nghệ sĩ nhận. Khi nào có hứng thú, anh làm đĩa hài, không kể Tết.
"Những sản phẩm thu từ những ngày xưa, chất lượng chưa tốt nhưng tôi đều giữ: chèo, quan họ, hát văn, hát xẩm... Tất cả là tiết mục mẫu mực, chỉn chu nhất do tôi bỏ tiền túi thực hiện và lưu giữ. Bây giờ đăng lên YouTube, khán giả vẫn xem nhiều lắm", diễn viên nói thêm.
Nét duyên dáng, gần gũi khiến Xuân Hinh không chỉ đắt show diễn mà còn được mời xông đất, động thổ, mừng thọ, thậm chí trải chiếu cho vợ chồng mới cưới động phòng. "Những đôi mới cưới muốn đẻ con trai thì cứ phải mượn tôi. Tôi thế này mà mát tay ra phết đấy!", Xuân Hinh nói vui.
Ở tuổi 62, về quê đã được lên chức cụ, Xuân Hinh vẫn say với nghề, thích được gọi là "kẻ chọc cười dân dã". Xuân Hinh cho biết thường quan sát cuộc sống đời thường làm chất liệu diễn xuất. Khi về quê thấy cụ bà bán bánh cuốn, nghệ sĩ để ý cách làm. Ngồi ở quán nước vỉa hè, Xuân Hinh trò chuyện để hiểu tâm tư, tình cảm người dân. Nghệ sĩ nói: "Anh hề là vai diễn đại diện cho dân lao động, những người nghèo khổ. Vì vậy, vai diễn phải thật chân thành. Tôi hát từ đáy lòng chứ chưa bao giờ dám hát chơi, hát để điểm danh lấy tiền".
Xuân Hinh cho biết từng chán "mua vui" ngày Tết nhưng thấy khán giả muốn xem, lại làm. Thời trước trước dịch, có năm nghệ sĩ diễn 204 buổi. Xuân Hinh xuất hiện ở đâu, ở đó kín khán giả. Có lần đi diễn ở tỉnh, nghệ sĩ rơi nước mắt khi nghe chuyện đồng bào vùng cao đội mưa đạp 40-50 km đường đất, chở con đi xem. Đến nơi, họ móc túi đếm từng nghìn bạc lẻ đủ mấy chục, mua chiếc vé rẻ nhất để vào trong. Có người đi bộ hơn năm tiếng tới điểm diễn, xem xong, về đến nhà là trời gần sáng. Lần đi diễn ở Nghệ An, có cụ bà 71 tuổi đi xe ôm ra cửa sân vận động chờ nghệ sĩ xin chữ ký.
"Bây giờ cứ đi diễn, chưa kịp lên sân khấu đã bị túm vào chụp ảnh. Mệt không tưởng được, nhưng mà cũng hạnh phúc vì khán giả còn thương mình. Đời nghệ sĩ không gì vui hơn là được công chúng yêu mến. Tuy nhiên đôi lúc được yêu quá cũng khổ, mất tự nhiên, mất ăn mất ngủ", Xuân Hinh nói vui.
Hiểu Nhân