Chử Văn Long -
Mười năm trước, được Trần Đăng Khoa tặng tập sách "Chân dung và đối thoại", tôi đọc và thấy anh vẽ rất giỏi những nét vẽ Xuân Diệu, nhưng là ở những năm cuối đời, gương mặt ông mệt mỏi, cau có, thô tháp và tội tội...
Nhà thơ Xuân Diệu. |
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
"Huy hoàng" đồng nghĩa với chiến thắng với thành công cao vời... Không ai nghĩ, được làm vua một đêm là huy hoàng, giàu nứt đố đổ vách là huy hoàng, ăn sung mặc sướng là huy hoàng. Mà "huy hoàng" ở đây là đốt sáng hết tài năng của mình, để tạo dựng một vẻ đẹp cho cuộc đời chiêm ngưỡng... nó mới hợp với mệnh đề "buồn le lói suốt trăm năm".
Ai thành công hơn Xuân Diệu ở chỗ tan mình ra để nghe được nỗi đau nhỏ bé nhất, vĩ đại nhất, với hai phạm trù - yêu là êm dịu, là hạnh phúc tột cùng, và - chết là nỗi đau tan vỡ lớn lao nhất, nhập được vào trong một câu thơ so sánh giản dị "Yêu là chết ở trong lòng một ít".
Nghĩ về Xuân Diệu, tôi thấy, dù đã được ví là ông hoàng thơ tình, nhưng nếu không có những câu thơ:
Mặc kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả họ yêu nhau.
Hay là trong bài Biển
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt
thì thơ tình yêu của Xuân Diệu cũng thấp đi, nhạt đi một ít.
Gần ba chục năm được đi về 24 Cột Cờ (nhà ở của Xuân Diệu), tôi cũng đã chứng kiến bao buồn vui trong cuộc sống, trong mỗi trang văn của Xuân Diệu.
Tôi cũng đã chứng kiến chi tiết Trần Đăng Khoa vẽ chuyện Xuân Diệu bóp cơm nguội cho vào chảo rang, nhưng là để đơn giản thời gian nấu bữa khi vắng u già giúp việc. Lần ấy, rang xong cơm, anh vét thành hai bát và giục: "Cơm rang phải ăn nóng, ăn nhanh kẻo nguội". Nhưng rồi vừa xúc được một thìa, anh dừng bát kể lại chuyện buổi trưa ở cuộc họp người ta trình bày thứ thơ ấn tượng, thơ trừu tượng phương Tây mà họ chẳng hiểu gì.
Vào năm chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra chiến trường miền Bắc, tôi đang làm việc ở một đội thanh niên xung phong trạm cơ giới Dốc Đỏ - Uông Bí - Quảng Ninh, Xuân Diệu đạp xe từ Hà Nội xuống thăm và chơi với tôi cùng Phạm Gia Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn (tác giả của Đứng trước biển và Cù lao Chàm).
Chiều trên đồi bạch đàn vắng lặng anh em đi dạo, bỗng Xuân Diệu nắm chặt tay tôi đứng lại.... "Lặng im, lặng im, nghe sơn ca hót!". Lúc này tôi mới nghe được dòng âm thanh trong trẻo rót xuống từ trời cao. Vụt trong tôi lại nhớ đến câu thơ: "Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi!"
Từ khi tôi được anh Xuân Diệu xin cho chuyển về Hà Nội, vào dịp tết anh thường về thăm mẹ tôi và ăn tết tất niên với gia đình. Lần ấy vào ngày 30 tết, có thêm bạn tôi là Phạm Gia Bình cùng về. Tôi đang vắng nhà, chạy quanh hàng xóm mua thêm vài món thực phẩm. Mấy dân quân xã thấy người lạ vào nhà tôi nên đến yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân.
Tôi về đến ngõ nghe anh to tiếng vội chạy nhanh vào nhà, thì ra việc đang mắc mớ ở chỗ, mấy anh dân quân đòi xem chứng minh thư, còn anh xòe cả nắm thẻ vào Văn phòng Quốc hội, vào Câu lạc bộ Ba Đình, Câu lạc bộ Quốc tế, thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... mà họ không chấp nhận.
Tôi vội vàng xin lỗi anh Xuân Diệu và quay sang mấy anh dân quân xã giới thiệu: "Đây là nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng vẫn bình thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, về ăn tết với gia đình tôi". Cảm thấy như mình có lỗi, mấy anh dân quân xã phân bua rằng: "Giấy tờ anh khi viết tên Xuân Diệu, giấy khác lại viết họ Ngô Xuân Diệu, nên không nhận ra nhà thơ...". Lúc tôi tiễn mấy anh dân quân ra ngõ, một anh nói thêm: "Trông giống ông Tây quá nên chúng em nghi".
Khi ngồi bên mâm cơm, anh Xuân Diệu có nói với cả gia đình: "Làng em cách Hà Nội có chừng hai chục cây số mà người ta không biết đến nhà thơ Xuân Diệu, văn hóa như vậy em thấy có buồn không?". Tôi nghĩ anh sẽ giận lâu. Không ngờ, lúc anh và bạn tôi dắt xe ra về, mẹ và vợ tôi tiễn đưa mỗi người năm củ su hào nhà trồng, vừa cắt ở ruộng, củ rau to như bát úp còn tươi mởn. Phạm Gia Bình ý ngại ngần vì đường xa, ngày xuân lại đèo sau xe đạp những củ rau to... Xuân Diệu ôn tồn vui vẻ: "Cứ xin mẹ, em Bình ạ, chịu khó mang đi, quà quê mà...".
Trước khi vào cõi vĩnh hằng, Xuân Diệu chỉ định đến Bệnh viện Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) khám sức khỏe thường kỳ, không ngờ bác sĩ nói là có triệu chứng cao huyết áp nên giữ lại điều trị. Trước đêm anh ra đi, buổi chiều tôi còn nghe Xuân Diệu chuyện trò: "Ra viện, anh sẽ bay sang báo cáo đề tài Văn học phương Đông ở Viện Hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức, nơi đã bầu anh là viện sĩ, còn dự định thơ anh dịch in ở Hungari, ở Pháp,... còn ối công việc đang chờ, anh chưa chịu gãy cánh đâu!".
(Nguồn: Công An Nhân Dân)