Từ hồi đang làm nhà, hai thằng cu cứ khụt khịt cả ngày, cứ nhiệt độ thay đổi đột ngột là bị ngạt mũi, nhảy mũi (hắt xì hơi), nước mắt nước mũi lại tràn ra, rất dễ cảm cúm. Thậm chí đi đường hay quét nhà bụi bẩn bay vào mũi cũng bị nhảy mũi và bắt đầu điệp khúc của các trận ốm vặt. Đi khám, bác sĩ bảo các cháu bị viêm mũi dị ứng nếu không chữa khỏi thì dễ dẫn đến viêm xoang. Thường phải mua thuốc Tây về uống một thời gian mới hết bệnh. Đến mùa đông lạnh thì chứng viêm mũi dị dứng lại được dịp tái phát, chẳng mấy khi trong nhà không phải dùng đến thuốc Tây.
Qua bạn bè mách bảo, vợ tôi lên mạng xem thông tin về việc điều trị viêm mũi dị ứng bằng cây hoa ngũ vị, dân gian thường gọi cái tên rất xấu là hoa cứt lợn. Theo cách bạn bè chỉ bảo, vợ tôi lấy cây hoa ngũ vị giã nhỏ, vắt lấy nước cốt để nhỏ vào mũi cho các con. Tuy nhiên, việc lấy thứ nước sền sệt đó để nhỏ vào mũi cho các con là một điều vô cùng khó khăn vì bọn trẻ cứ thấy nước màu sẫm xịt đó là chúng sợ, khóc không chịu để cho nhỏ vào mũi và thường làm trẻ bị sặc. Vợ tôi liền nghĩ ra một cách là chưng cất cây thuốc này lên. Sau khi chưng cất, kết quả thật diệu kỳ, từ nước sền sệt màu xanh đen thành một thứ nước trong vắt. Khi nhỏ vài giọt vào mũi thì mùi cay nồng sực lên sống mũi nhưng rất dễ chịu.
Hiệu quả có thể thấy ngay tức thì khi không còn nhảy mũi. Nước thuốc bỏ vào lọ, đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh, cứ mỗi khi bị nhảy mũi thì nhỏ vài giọt là hết ngay. Với cách làm này, vừa hiệu nghiệm trong phòng và chống viêm mũi dị ứng, vừa không phải dùng thuốc Tây không tốt cho cơ thể, mà lại rẻ tiền vì cây hoa ngũ vị có sẵn trong tự nhiên. Lâu dần, nhờ nước chưng cất của cây hoa ngũ vị mà các con tôi hầu như không còn bị viêm mũi dị ứng nữa.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh nhà cửa, chăn màn sạch sẽ, không nuôi các động vật có lông trong nhà và một chế độ ăn uống hợp lý giúp các con tôi khỏe mạnh cũng góp phần đẩy lùi viêm mũi dị ứng.
Đỗ Minh Thuyết