Euro 2016 đang trở thành giải đấu của những anh hùng áo vải. Iceland, Bắc Ireland, CH Ireland hay Hungary đều tiến xa hơn kỳ vọng. Nhưng bước qua vòng bảng, họ cứ rơi rụng dần. Chỉ còn lại mỗi kỵ sĩ độc hành vẫn giương cao lá cờ khởi nghĩa lầm lũi thách thức các đại gia - tuyển Xứ Wales.
Nhìn lại hành trình của thầy trò Chris Coleman đã đi từ đầu giải, đó đúng nghĩa là một đội quân đoàn kết chứ không phải cách gọi có phần mỉa mai: "Bale và các đồng đội" hay "Xứ Bale". Đứng đầu bảng B, trên cả Anh và Nga - những quốc gia lớn hơn họ rất nhiều về diện tích, số dân, lịch sử và thành tích bóng đá. Ở vòng 1/8 họ hạ hiện tượng Bắc Ireland 1-0 rồi ngược dòng giành chiến thắng 3-1 trước Bỉ dù bị đội bóng năm ngoái đứng đầu bảng xếp hạng FIFA dẫn trước 1-0. Mỗi trận đấu của Xứ Wales mang một màu sắc khác nhau, nhưng có một điểm chung về tinh thần: hy sinh mọi cái tôi để tập thể toả sáng.
Xứ Wales: Mảnh đất tạo anh hùng
Trước Euro 2016, Xứ Wales không được nhắc đến nhiều trên bản đồ bóng đá thế giới. Nhưng đất đó thực ra không thiếu anh tài. John Toshack và Ian Rush là những huyền thoại tại Liverpool. Rush thậm chí là cựu đội trưởng, một trong những tiền đạo hay nhất lịch sử đội bóng giàu truyền thống nước Anh. Ông cũng là cầu thủ hiếm hoi của Vương quốc Anh từng trải nghiệm ở nước ngoài (khoác áo Juventus trong thời cực thịnh của Series A). Toshack là HLV Xứ Wales đầu tiên trong lịch sử Real Madrid, và hai giai đoạn cầm quân tại Bernabeu, ông đều đạt số trận thắng trên 50%.
Cùng Mark Hughes, Ryan Giggs là huyền thoại cận đại của Man Utd, với số trận thi đấu và danh hiệu nhiều nhất lịch sử Vương quốc Anh. Billy Meredith, người từng khoác cả hai màu áo Đỏ - Xanh ở thành Manchester hay thủ môn Neville Southall có đến 17 năm liền trấn giữ khung thành Everton.
Những nhân vật kiệt xuất đó khắc hoạ chân thực bóng đá Wales trước kia: lúc nào cũng đầy những cá nhân xuất sắc, nhưng thiếu đi một tập thể đoàn kết để đi đến thành công. Cho đến ngày, một nhóm những con người xuất hiện cùng chia sẻ quan điểm rằng họ đã sống quá lâu dưới cái bóng đội tuyển Anh và giờ là lúc bước ra ánh sáng.
Từng muốn dựa vào đội Liên hiệp Anh
Tháng 11/2011, trên sân nhà, Xứ Wales đá giao hữu với Na Uy. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 4-1 nghiêng về đội bóng nhỏ bé của Vương quốc Anh. Gareth Bale, tiền vệ trẻ đang lên ở Tottenham lúc đó mở tỷ số phút 11. Cựu binh Craig Bellamy nhân đôi cách biệt sau đó chừng năm phút, trước khi Sam Vokes ấn định tỷ số cho Xứ Wales bằng các pha lập công phút 88 và 89. Vokes là tiền đạo cũng rất trẻ khi đó (22 tuổi) nhưng đã có ba năm khoác áo đội tuyển quốc gia.
Tại sao phải nhắc đến trận đấu này? Bởi trước đó vài ngày, một tấm biểu ngữ phản đối Liên đoàn bóng đá Xứ Wales gửi các cầu thủ tham dự đội tuyển Liên hiệp Vương quốc Anh (Team Great Britian) ở môn bóng đá nam Olympic London 2012. Khi đó, chỉ Xứ Wales ủng hộ dự án này, còn Scotland và Bắc Ireland từ chối. Cuối cùng, chỉ năm cái tên người Xứ Wales xuất hiện trong danh sách 18 thành viên Vương quốc Anh tại Olympic diễn ra một năm sau.
Số cầu thủ Anh áp đảo (13 so với 5). Huấn luyện viên trưởng cũng là một người Anh – Stuart Pearce, bất chấp lúc đó nước Anh chẳng có lấy một huấn luyện viên thành danh nào (những người dẫn dắt các CLB hàng đầu Premier League đều là những người nước ngoài). Liên đoàn bóng đá Anh xoa dịu Xứ Wales bằng cách để Ryan Giggs đeo băng đội trưởng, và Craig Bellamy thường xuyên đá chính.
Kết quả là Vương quốc Anh vẫn tệ hại như các đội tuyển Anh dự giải lớn. Sau khi vượt qua vòng bảng, họ hoà Hàn Quốc 1-1 trong 120 phút thi đấu rồi bị loại 4-5 sau loạt luân lưu. Cầu thủ sút cú quyết định bị hỏng là một người Anh: Daniel Sturridge.
Những người tiên phong John Toshack, Gary Speed
Trận đấu với Na Uy là chiến thắng thứ tư trong năm trận liên tiếp của Xứ Wales. Nền bóng đá nước này khi đó đang bước vào giai đoạn hái quả ngọt sau khi đã gieo trồng từ trước đó nhiều năm. John Toshack, Gary Speed cùng nhiều cựu cầu thủ, huấn luyện viên khác đã ròng rã tìm kiếm, ươm mầm, định hình phong cách và lối chơi từ các tuyến trẻ đến tuyển quốc gia.
Những cầu thủ mới tuổi đôi mươi như Gareth Bale, Sam Vokes, Robson-Kanu, Joe Allen, Neil Taylor, Ben Davies... sau khi được phát hiện, gửi đến môi trường khắc nghiệt tại giải Ngoại hạng Anh trui rèn đã trở về đóng góp cho Xứ Wales.
Swansea City, câu lạc bộ lớn nhất nước tại Cardiff, cũng được định hướng đua tài tại Premier League thay vì độc bá tại giải vô địch Xứ Wales. Swansea có rất ít cầu thủ Xứ Wales, bởi một là họ sang Anh, hai là đội bóng cũng phải đủ mạnh để trụ tại Premier League. Nhưng điều quan trọng nhất là Swansea được xác định là nơi thử nghiệm các chiến thuật tiên tiến nhất bóng đá thế giới.
Đội bóng này từng chơi bóng dài, tạt cánh hệt như một CLB Anh. Sau đó, Brendan Rodgers được mời tới để xây dựng một phong cách bóng ngắn na ná Barcelona. Huấn luyện viên kế tiếp của Swansea, Michael Laudrup, cũng là một người yêu thích kỹ thuật. Chính những điều đó đã trui rèn Joe Allen trở thành một trong những tiền vệ kiến tạo lùi sâu (Deep-lying-playmaker) hay nhất Premier League, mẫu cầu thủ mà sau Michael Carrick, người Anh vẫn chưa tìm thấy ai.
Hầu hết những nhân vật tham gia từ đầu cuộc cách mạng bóng đá Xứ Wales đều đang được hưởng quả ngọt là tấm vé vào bán kết Euro 2016. Nhưng có một người không có may mắn đó. Anh là Gary Speed, cố đội trưởng và huấn luyện viên trưởng đội tuyển Xứ Wales. Không lâu sau chiến thắng trước Na Uy nói trên, thi thể của Speed được tìm thấy tại nhà riêng. Nguyên nhân cái chết được xác định là tự sát.
Nói về công lao của Speed với bóng đá Cứ Wales, cựu tiền đạo Craig Bellamy nói: “Thật khó để kìm nước mắt. Anh ấy đã có nhiều cống hiến cho sự thành công của bóng đá Xứ Wales hôm nay. Tôi có thể nhìn thấy nhiều dấu ấn của anh ấy trong đội bóng này. Thật khó có thể hình dung hết những thách thức mà những đội bóng nghèo như chúng tôi phải đối mặt. Nhưng Gary đã đoàn kết tất cả, từ những ngôi sao cho đến những người hùng thầm lặng, các nhà khoa học thể thao, chuyên viên thể lực và những chương trình nâng cao thể chất. Anh ấy đã đặt ra những chuẩn mực cho những người đi sau”.
Vinh quang vẫn ở phía trước
Chiến công lịch sử lọt vào bán kết Euro 2016, tất nhiên, cũng có dấu lớn của chiến thuật gia Chris Coleman. Ông kế thừa hoàn hảo những gì Tosack, Speed để lại. Tiếp nhận một tập thể quen với 4-2-3-1 từ Speed, những thất bại tại vòng loại World Cup 2014 khiến Coleman hiểu sâu sắc rằng những ngôi sao tấn công như Bale, Ramsey hay Allen có thể đưa đội bóng đến một vài chiến thắng. Nhưng muốn vô địch một giải đấu, Xứ Wales cần được xây dựng dựa trên sự chắc chắn nơi hàng thủ.
Coleman đặt James Chester bên cạnh đội trưởng Ashley Williams và Ben Davies để tạo nên bộ ba trung vệ án ngữ trước cầu môn Wayne Hennessy. Hai cánh không có gì thay đổi, vẫn là Neil Taylor và Chris Gunter. Trong hai tiền vệ trung tâm lùi sâu, Joe Ledley là chuyên gia cản phá, giành lại bóng và phá lối chơi đối phương, còn Allen sẽ ngay lập tức phất những đường bóng dài từ sân nhà cho các cầu thủ tuyến trên. Bale và Ramsey hình thành hệ thống “số 10 kép” – hai tiền vệ công sáng tạo, di chuyển tự do phía sau trung phong cắm duy nhất, lúc là Robson-Kanu và khi là Vokes.
Khi phòng ngự, sơ đồ này chuyển thành 5-5-0. Toàn bộ 11 cầu thủ Xứ Wales co về phần sân nhà. Bất cứ ai cũng trở thành các hậu vệ để tranh chấp với đối phương. Lúc cần tấn công, sơ đồ đó sẽ trở thành 5-2-2-1. Nếu các hậu vệ cánh dâng cao hơn thì nó sẽ là 3-4-2-1. Điểm mấu chốt là Bale, Robson-Kanu (hoặc Vokes), Ramsey và Allen luôn tạo thành một hình vuông huyền ảo. Bóng từ chân Allen sẽ phân phối sang hai cánh trước khi tính đến các phương án tiếp cận cầu môn tiếp theo.
Bên cạnh sơ đồ 5-3-2 vi diệu ấy, cùng một HLV giỏi xoay chuyển tình huống, thì thành công của Xứ Wales còn đến từ một tinh thần thép - mà như đội trưởng Ashley Williams mô tả thì nó dựa trên nền móng quá khứ với cả huy hoàng lẫn đau thương.
“Trân trọng lịch sử là một phần quan trọng trong thành công hôm nay của chúng tôi”, Williams phát biểu sau chiến thắng chấn động trước tuyển Bỉ. “Bạn hãy nhìn lại những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Xứ Wales chưa từng có cơ hội xuất hiện tại một giải lớn, chứ đừng nói tới tận một trong ba trận đấu cuối cùng, như chúng tôi”.
“Phải, tôi đang nhắc tới Ryan Giggs, Ian Rush, Neville Southall, Kevin Ratcliffe, tất nhiên là cả Gary Speed và Mark Hughes. Nỗ lực cống hiến của họ trong quá khứ là tiền đề cho thành công của chúng tôi hôm nay. Chính vì thế, thành tích này trở nên thật đặc biệt. Quá khứ không mấy tự hào không thể là trở ngại, trái lại còn là động lực lớn để chúng tôi làm nên những điều kì diệu hơn nữa. Hãy chờ xem!”.
Đúng vậy. Hãy chờ những câu chuyện bất ngờ tiếp theo từ Rồng lửa xứ Wales, khi họ đối đầu Bồ Đào Nha ở bán kết ngày 6/7 sắp tới.
Huyền Châu