Phản ứng tâm lý tự nhiên là bé lớn (và cả bé nhỏ) sẽ ghen tị và coi anh/chị/em của mình như “đối thủ”. Mặt khác, cả hai vẫn rất thương yêu và muốn chơi cùng nhau. Đối mặt với tình huống này, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau để giúp trẻ cân bằng giữa lòng đố kỵ và sự yêu mến dành cho anh/chị/em của mình.
Chuẩn bị tâm lý: Tốt nhất là cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ từ trước khi có em. Ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ, cha mẹ nên định hướng cho bé lớn rằng bé sẽ trở thành anh/chị của một em bé tí ti.
Tranh giành đồ chơi: Khi em bé được vài tháng tuổi, bé sẽ thích chơi đồ chơi. Cha mẹ không nên xác định rằng trẻ lớn sẽ chia sẻ mọi đồ chơi yêu thích với em bé. Hãy quy định đâu là đồ chơi chung và đâu là đồ chơi riêng cho từng bé.
Bảo vệ “kho báu” riêng: Cha mẹ cần đảm bảo những đồ mà mỗi bé yêu quý và trân trọng (tranh vẽ, tác phẩm bé tự làm…) là “bất khả xâm phạm” với bé còn lại. Hãy để chúng xa tầm với để bé kia không xâm phạm được và cho trẻ thấy cả nhà cùng trân trọng tác phẩm đó.
Không thương lượng: Cha mẹ không trao giải hay thương lượng mới khiến bé cư xử đúng mực. Thay vào đó, cha mẹ cần kiên quyết và dạy trẻ tuân theo quy định. Hãy nghiêm khắc đưa ra các yêu cầu và nguyên tắc xử sự giữa anh chị em trong gia đình.
Đánh giá cao vai trò của bé lớn: Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu cha mẹ tỏ ra đánh giá cao vai trò của bé lớn. Ví dụ, trong sinh nhật em bé, cha mẹ hãy để anh chị của bé thể hiện vai trò quan trọng của mình, để trẻ không có cảm giác ngày đó chỉ là của riêng em bé.
Biết cách phân phối thời gian và sự quan tâm: Cha mẹ cần cố gắng phân phối thời gian và sự chú ý đều cho các con, bởi trẻ luôn có xu hướng tìm cách để được cha mẹ chú ý tới nhiều hơn so với anh chị em của mình.
Đồ chơi đặc biệt: Cha mẹ nên dành ra những món đồ chơi hay quyển truyện đặc biệt cho trẻ lớn, chúng sẽ giúp cha mẹ có thời gian khi quá bận rộn với em bé.
Thần tượng của bé: Cha mẹ cần nhớ rằng mình chính là tấm gương và thần tượng của con. Bé sẽ dùng chính cách giải quyết của cha mẹ để tự giải quyết mâu thuẫn với anh chị em, do đó cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con.
Khánh Vy (Theo boldsky)