Bà mẹ nào có con nhỏ bị tiêu chảy cũng thấy đắng chát cả miệng mồm, khô khốc cổ họng và chỉ mong sao cho bé được "cầm ỉa" ngay tức khắc, nghĩa là mong có cách nào làm dứt ngay cơn tiêu chảy của bé. Đó là lý do tại sao trong phòng cấp cứu ở các khoa nhi vẫn thường gặp những ca ngộ độc sái thuốc phiện, á phiện, thuốc chích thuốc uống làm cho bé bị liệt ruột, bụng chướng lên, thở thoi thóp, đồng tử (con ngươi) teo nhỏ như đầu đinh ghim. Có trường hợp chết oan là vì vậy, không kể các trường hợp chết vì khô nước, mất nước trong cơ thể.
Tiêu chảy cấp thực chất là một phản xạ có ích cho cơ thể, nhằm tống hết chất độc ra ngoài đường ruột một khi ruột bị rối loạn, bị nhiễm trùng, nhiễm độc, như trường hợp ngộ độc thực phẩm, dùng sữa ôi thiu... Trường hợp tiêu chảy kéo dài do sai dinh dưỡng (đưa đến suy dinh dưỡng), dùng kháng sinh không đúng cách làm tiêu hủy những vi sinh vật vốn rất có ích trong đường ruột hoặc do trẻ "không chịu", "không hạp" với một thứ sữa nào đó thì phải ngưng thuốc kháng sinh và điều chỉnh cách dinh dưỡng sao cho đúng.
Có khi chỉ vì pha chế sữa không đúng (đặc quá hoặc loãng quá) cũng gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc bón... Nhiều bà mẹ bây giờ thích nghe bày vẽ, nghe quảng cáo, cứ thay sữa xoành xoạch. Trẻ chưa kịp làm quen với thứ sữa này đã phải làm quen sữa khác, đương nhiên phải "rối loạn tiêu hóa" thôi.
Thức ăn dặm cũng vậy. Phải có thời gian cho bé quen một thứ thức ăn mới (thịt, cá, trứng, rau, đậu...), nếu thấy tốt, cứ nên tiếp tục, miễn là cân đối, đủ 4 nhóm "bột, đạm, dầu, rau" và thấy trẻ tăng cân tốt là được. Cũng nên biết có thứ tiêu chảy không phải bệnh thường gặp ở bé bú sữa mẹ, gọi là tiêu chảy sinh lý, càng "lẹt xẹt", "hoa cà hoa cải" càng mau lớn. Khi bắt đầu được cho ăn dặm (ăn sam) thì trẻ sẽ không còn tiêu chảy lẹt xẹt như vậy nữa.
Nhớ rằng tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ do siêu vi hay do E.Coli thì cũng phải 4-5 ngày mới khỏi, miễn là không bị mất nước, làm trầm trọng thêm. Nhiều bà mẹ đi khám bác sĩ vài ba hôm thấy không bớt, đến thầy "lang băm" cũng vừa đúng thời điểm dứt bệnh, thế là thầy nổi tiếng. Không kể trường hợp uống sái phiện như đã nói trên. Lỗi ở bác sĩ không chịu giải thích rõ, không hướng dẫn kỹ cho bà mẹ yên tâm.
Đa số các bà mẹ thấy con "ỉa ra nước" thì không dám cho uống nước, sợ càng uống càng tiêu thêm. Điều này sai, bởi không cho uống, bé vẫn tiêu ra nước như thường. Nước này từ đâu ra? Nước từ trong tế bào và từ trong máu. Do vậy, dễ dẫn tới khô máu, khô tế bào mà chết.
Trên thế giới, hằng năm có vài ba triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy mất nước như vậy, cũng chỉ vì bà mẹ không dám cho uống nước bù. Ngày nay, người ta biết rõ nguyên nhân gây tử vong của trẻ tiêu chảy không phải do nhiễm trùng mà vì mất nước nên đã khuyến khích các bà mẹ cho con uống bù nước sớm khi trẻ vừa tiêu chảy. Nhờ vậy mà cứu được rất nhiều trẻ nhỏ. Nếu không cho uống nước thì bệnh sẽ nặng hơn và kéo dài hơn. Nếu không cho ăn thì trẻ sẽ đói, kiệt sức. Mặc dù ruột đang "yếu", trẻ vẫn hấp thu được phần lớn thức ăn. Cần cho ăn nhiều bữa, ăn nhẹ, loãng, dễ tiêu... Pha sữa đúng cách và cho ăn trở lại bình thường càng sớm càng tốt, nếu cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nước uống bù trong tiêu chảy tốt nhất là Oresol, còn gọi là "nước biển khô", có ở các Trạm Y tế hoặc các nhà thuốc, đem về pha vào một lít nước chín (đun sôi để nguội, phải pha với đúng một lít) cho bé uống bù ( cả người lớn bị tiêu chảy cũng vậy). Ở những nơi không tìm được Oresol thì pha nửa muỗng muối (loại muỗng cà phê 5ml) với 6 muỗng đường vào trong một lít nước chín. Nếu có chanh hay cam, nặn vào một ít càng tốt để có thêm chất muối Kali (potassium).
Điều quan trọng, không nên để trẻ tiêu chảy. Nên cho bú mẹ ít nhất 6 tháng. Bú mẹ thì yên tâm, khỏi phải lo gì cả! Nếu bú bình, thì phải giữ vệ sinh bình bú, núm vú thật tốt, pha chế đúng tỷ lệ. Biết cách cho ăn dặm. Nếu bé lỡ bị tiêu chảy thì bình tĩnh, cho uống bù nước sớm và đưa đến bác sĩ khi cần.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc